• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Cung cấp thêm thông tin về chó PQ.

ngoalong

Member
TRÍCH TỪ BÁO THANH NIÊN

Hơn 100 năm trước, chó Phú Quốc...
14:06:54, 06/09/2008


Chó Phú Quốc - Ảnh: Lưu Quang Phổ
Sau gần 30 năm nghiên cứu, tự hào và trăn trở với giống chó quý Phú Quốc, giáo sư Dư Thanh Khiêm đã tiết lộ với Thanh Niên nhiều điều hết sức lý thú.

Từ chó Tây...

Giáo sư Dư Thanh Khiêm sinh năm 1951 tại Đông Hà (Quảng Trị), hiện là Viện trưởng Viện Giáo dục Woluwe SaintPierre ở Brussels (thủ đô Vương quốc Bỉ).

Năm 1970, Dư Thanh Khiêm được đi du học ở Bỉ. Trong một lần đi dạo, anh và cô bạn gái người bản xứ đã mua được một cặp chó giống Afghan hound rất đẹp. Rồi cặp chó này sinh sản. Cô bạn gái của Khiêm đã đem một chú chó giống Afghan hound (thuộc thế hệ sau) dự cuộc thi Dogshow tại Saint Ghislain và bất ngờ đoạt giải nhất. Từ đó đôi bạn này luôn có mặt trong các cuộc thi Dogshow, họ thường cá cược với nhau những con chó nào sẽ đoạt giải. Do không muốn “mất điểm” trước bạn gái nên Khiêm đã lao vào tìm hiểu tài liệu về... chó. Từ đó, Khiêm là “nỗi ngạc nhiên” đối với các chuyên gia, các ban giám khảo ở các cuộc thi Dogshow vì anh dự đoán “ngay chóc” những con chó sẽ đoạt giải.


Ông Dư Thanh Khiêm - Ảnh: H.Đ.N
Để hoàn thiện hơn vốn kiến thức về chó, năm 1980 Khiêm đã bay qua California (Mỹ), nơi hội tụ những tay nuôi chó “dữ dội nhất thế giới” (chữ dùng của Khiêm) để gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm. Tại đây anh đã phải “bấm bụng” đem cả gia sản để đổi lấy chỉ một con chó cái nhỏ tên là Coastwind Avita. Điều quan trọng, “nàng” chính là ái nữ của “khuyển vương”

Coastwind Abraxas - bố của 100 con chó vô địch trên khắp thế giới. Cháu của Avita là Coastwind Domineux đã đem lại vinh quang cho Dư Thanh Khiêm khi nhiều lần liên tiếp giành ngôi vô địch trong các cuộc thi. Điều này đã thôi thúc Khiêm thành lập một trang trại nuôi dòng chó nổi tiếng Coastwind.

Phát hiện sự kiện “xoài” và “chuối”

Trong những lúc lục tìm sách vở, tài liệu về chó, Dư Thanh Khiêm tình cờ đọc được nhiều tài liệu Âu châu nói về giống chó Phú Quốc.

Chó Phú Quốc có những đặc điểm: rất nhanh nhẹn và dài hơi trong các cuộc săn bắt mồi, có khả năng leo trèo và bơi trên biển, cao khoảng 55 cm, nặng khoảng 18 kg, tai dựng đứng, eo thon, màu lông được ưa thích là vàng lửa (lông ở dải lưng mọc ngược sậm màu hơn)...

Theo đó, người đầu tiên đem chó Phú Quốc “xuất cảnh” là Fernand Doceul - một công chức từng làm việc ở nhiều nơi thuộc Nam Kỳ (Hà Tiên, Gò Công, Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc, Gia Định...). Năm 1886, ông đem về Pháp 2 cặp chó Phú Quốc bằng đường thủy (chết 1 con trên đường vận chuyển). 3 con còn lại (2 đực, 1 cái) được ông F.Doceul tặng cho Vườn thực vật Paris. Ngay lập tức giới sành chơi chó ở châu Âu đã “đặc biệt quan tâm” đến 3 con chó “có dải lông mọc ngược trên sống lưng” mà không hề thấy ở bất kỳ giống chó nào trên khắp thế giới. Đặc biệt, ông Emile Oustalet - một chuyên gia hàng đầu về động vật có vú (sau này ông là Giám đốc ngành động vật có vú và chim thuộc Bảo tàng Lịch sử khoa học tự nhiên Pháp) - đã viết một bài báo hết lời ca tụng 3 con chó đặc biệt này, đăng trên tờ La Nature ngày 21.11.1891 (có kèm tranh màu nước vẽ những con vật này).

Bá tước Henri de Bylandt – một “chóp bu” trong lĩnh vực lịch sử chó giống nhận xét: “Khi tôi làm giám khảo chấm cho giống chó này tại Anvers, hướng lông mọc ngược rất lạ thường của dải lông trên lưng đã làm tôi chú ý. Tôi chưa thấy có một giống chó nào khác lại có lông như vậy”.


Ông Dư Thanh Khiêm (thứ hai từ phải qua) và lãnh đạo FCI - Ảnh: H.Đ.N
Cũng cần nói thêm về bá tước Henri de Bylandt (1860-1943), ông là một trong những nhà giám khảo chó quốc tế đầu tiên và lỗi lạc nhất. Ông được coi là “cha đẻ” của rất nhiều bảng tiêu chuẩn giống chó khác nhau trên thế giới đồng thời là tác giả của rất nhiều sách viết về chó, trong đó có cuốn Les Races de Chiens được dân trong giới coi là “cuốn thánh kinh về loài chó” (gồm 1.160 trang, đề cập đến 316 giống chó, 1.392 hình minh họa vẽ 2.064 con chó). Đây là cuốn sách cổ, quý hiếm nhất về loài chó.

Theo ông Khiêm thì cuộc thi ở thành phố Lille, mà 2 con chó Phú Quốc tên Xoài và Chuối đã đoạt giải nhất và giải nhì, giải thưởng cao quý nhất (Best in show) đã không thuộc về người sở hữu con chó mà thuộc về người đã sản xuất (tạo giống, phối giống) ra nó. Vinh dự đó không thuộc về những người Pháp mà chắc chắn là đã thuộc về một người nông dân Việt Nam bình thường nào đấy, nơi xuất phát giống chó Phú Quốc khiến quốc tế chấn động!

Trăn trở với thương hiệu chó Phú Quốc

Vinh quang của chó Phú Quốc (mà hiện nay rất ít người biết) là vào giữa năm 1894, 2 con chó Phú Quốc tên Xoài (Mango, đực) và Chuối (Banana, cái) của một người Pháp tên là Gaston Hélouin sống tại Helfaut, Pas de Calais (miền bắc nước Pháp) đã đoạt giải nhất và giải nhì trong một cuộc thi tại thành phố Lille (Pháp). Ít lâu sau vào ngày 16.7.1894, “Xoài” và “Chuối” lại lên ngôi tại cuộc Triển lãm Hoàn vũ quốc tế (về chó) diễn ra ở thành phố Anvers (Bỉ) nhưng là hoán đổi vị trí thứ hạng cho nhau. Sau khi đoạt giải, “Xoài” và “Chuối” được lên “lý lịch trích ngang” trong catalogue và được định giá vào khoảng... 15 tỉ VNĐ hiện nay!

Đau đáu một khát khao giữ lại giống chó quý, hiếm cho quê hương, giáo sư Dư Thanh Khiêm đã về nước rất nhiều lần để theo đuổi một hành trình đưa giống chó Phú Quốc trở lại ngôi quán quân thế giới của 114 năm trước.

Ông Khiêm chia sẻ hai vấn đề về chó Phú Quốc. Thứ nhất, chó Phú Quốc chưa hề có tên trong tự điển Larousse nhưng có 2 cuốn sách từng đề cập đến giống chó này mang tên Le Chien do NXB Larousse ấn hành. Thứ hai, Việt Nam cần phải thành lập Hiệp hội Quốc gia chó giống (VKC: Vietnam Kennel Club). Hiệp hội này sẽ làm đơn xin gia nhập Liên đoàn Quốc tế chó giống (FCI).

Ông Khiêm đã thành lập VKC, đã được Nhà nước cấp giấy phép hoạt động. Ông cũng đã nộp hồ sơ và làm việc với lãnh đạo FCI. Tuy là một cuộc nói chuyện thân mật nhưng cũng để kiểm tra trình độ chuyên sâu, khả năng am tường của ông về chó giống. Bước tiếp theo là Việt Nam phải tổ chức một cuộc thi chó đẹp (Dogshow), FCI sẽ cử vị Chủ tịch phụ trách khu vực châu Á đến Việt Nam quan sát và làm báo cáo lên FCI để tổ chức này có chấp nhận Việt Nam là thành viên hay không (có 3 loại thành viên: Thành viên có giao kèo trong thời hạn 2 năm. Qua 2 năm mới xét nhận là Thành viên tạm, sau đó mới đến giai đoạn trở thành Thành viên chính thức). Khi Việt Nam được chấp nhận là Thành viên tạm của FCI thì chúng ta mới có quyền đăng ký Bản tiêu chuẩn của chó Phú Quốc (cũng như một số giống chó đặc biệt ở phía Bắc). Nếu Bản tiêu chuẩn được FCI nhìn nhận thì chó Phú Quốc mới có quyền tham gia mọi hoạt động trên thế giới.

Con đường đi ra thế giới của chó Việt Nam là như thế! Ông Khiêm tin tưởng với sự hỗ trợ tích cực của các cấp lãnh đạo, Việt Nam sẽ sớm trở thành thành viên của FCI, các giống chó của Việt Nam sẽ tránh được nhiều mối nguy (bị đánh cắp thương hiệu như từng xảy ra với “nước mắm Phú Quốc”) và chó Việt Nam sẽ sớm có cơ hội tranh tài cùng các giống chó quý trên khắp năm châu.

Hà Đình Nguyên
 
Top