• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Con Nghê - linh vật thuần Việt

amifidele

Member
Con Nghê - linh vật thuần Việt



Hai linh vật đặc thù của văn hóa Việt Nam là chim Hạc và con Nghê, thế nhưng trong khoảng hai trăm năm gần đây, ta thường thấy rồng và lân được dùng trang trí trong các đền chùa, dinh thự lớn. Như tượng hai con lân trắng ở ngay trước sân chùa Vĩnh Nghiêm, Sài gòn chẳng hạn. Những ngôi nhà lớn của người Việt ở hải ngoại hay ở trong nước cũng trang trí bằng tượng con lân. Chim hạc là linh vật từ thời các vua Hùng dựng nên nước Văn Lang ta, còn con Nghê xuất hiện từ bao giờ? (Phải chăng từ đời Lý, khi nền văn hóa thuần Việt được phục hồi và phát triển sau một ngàn năm Bắc thuộc?). Dù là biểu tượng thuần túy Việt Nam nhưng con Nghê lại được ít người biết đến.



Con Nghê là gì?

Trong đời sống của người dân Việt, hai con thú được coi như những người bạn thân thiết, gần gũi và quan trọng nhất là con trâu và con chó. Trâu để cầy ruộng, giúp sản xuất lúa gạo, chó để giữ nhà, phòng kẻ gian, phòng thú dữ. Đời sống thực tế có chó giữ nhà, còn đời sống tinh thần thì sao? Ông cha ta cũng cần một linh vật để chống lại các tà ma ác quỷ nữa chứ. Chó đá được dựng lên vì thế. Ở làng quê miền Bắc Việt Nam, trước cổng làng bao giờ cũng có một con chó đá để bảo vệ cả làng, trước cổng đình bao giờ cũng có chó đá, và trước cổng nhà hay ở ngoài đầu hồi, ngoài cửa nhà cũng thường có chó đá ngồi trước canh giữ cho gia chủ. Những con chó đá này hình dạng thay đổi, cao khoảng từ nửa thước tới một thước, thường là những tảng đá được khắc đẽo rõ ràng oai vệ, nhưng có khi chỉ là một khối đá đặt nghiêng theo dáng một con chó đang ở thế ngồi canh giữ. (Truyện cổ cũng thường nhắc đến chó đá, như chuyện “Cậu học trò và con chó đá”, chuyện “Hai anh em và con chó đá” - Xin đọc: Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc,Truyện cổ nước Nam)


Rồi để bầy trước điện thờ, hay bàn thờ của những nhà giàu có, ở các đình chùa, đền miếu, chó đá hoá linh. Chó đá được khắc đẽo với những chi tiết oai vệ, đầu chó, mặt chó đầy những nét oai nghiêm. Vì linh thiêng như thế, nên được gọi là con Nghê.

Con Nghê còn được dùng để trang trí trong các ngôi đình cổ ở Việt Nam. Nghê được chạm trên cốn (xà ngang từ cột ra để đỡ xà dọc ở mái ngoài), hay được đạt trên đầu đao (sống mái chạy từ đỉnh nóc nhà xuống, cong lên như hình cây đại đao (mã tấu) nên gọi là đầu đao), như trên cốn đình làng An Hoà (Hà Nam), Phất Lộc (Thái Bình), cột đình làng Hội Thống (Hà Tĩnh) đầu đao đình làng Phù Lão (Bắc Giang), làng Trung Cần (Nghệ An), làng Tây Đằng (Sơn Tây)... chẳng hạn. Thuở nhỏ, vào khoảng đầu thập niên 1950 ở Thái Bình, còn thấy ở nhà cụ Hà Ngọc Huyền, ông ngoại chúng tôi có chưng tượng con Nghê cao gần một thước ngay lối vào phòng khách cùng với những bình, những chóe đời Khang Hy nhà Thanh, đời Minh... Con Nghê này không biết nay đã lưu lạc về đâu?

Vậy con Nghê là một linh vật thuần Việt, được sáng tạo để bảo vệ đời sống tâm linh của người Việt. Con Nghê thường được thấy qua các món đồ gốm, mà có thể được giới thiệu tiêu biểu dưới đây.

Vài hình tượng con Nghê tiêu biểu

Tượng con Nghê:
Dựa trên nước men, màu men, chất đất ta có thể xác định một tác phẩm đời Lý (thế kỷ XI - XII). Con Nghê này cao độ 36cm, bàng đất nung, phủ men nâu, nét tô đắp cực kỳ tinh xảo, con Nghê trông sống động, oai vệ, tưởng chừng như có thể phóng lên xua đuổi tà ma ngay tức khắc. Mặt Nghê ngắn. Mình Nghê thon dài, rất thanh tú. Cổ Nghê đeo dây lục lạc có tua, cổ ngửng thẳng. Lông trên sống lưng dựng đứng như một hàng kỳ, chạy suốt từ đỉnh đầu xuống đến đuôi. Chân Nghê thanh nhưng thẳng và mạnh, chân sau ở thế ngồi bắp thịt đùi trông rắn chắc mạnh mẽ, hai chân trước chống cao, chỗ đầu gối có lông xoắn cong. Mắt to, miệng lớn, mũi lớn, miệng Nghê hơi hé mở để lộ những răng nanh nhọn hoắt, như sẵn sàng xua đuổi tà ma. Tai Nghê lớn. Lông Nghê mượt sát vào mình với những đường khắc, uốn từ sống lưng xuống phía bụng, trông như vằn chó.

Tượng con Nghê đời Lý (Bộ sưu tập Bùi Ngọc Tuấn) Nậm rượu hình con Nghê: chúng tôi xin đưa ra hình hai nậm rượu hình con Nghê, một mầu nâu, một mầu đen. Nghê với hình dáng và thế ngồi cũng như mô tả ở trên, tuy rằng các chi tiết không sắc sảo bằng. Nghê ngồi trên một bầu rượu có dáng trên tròn dưới ống. Mình Nghê rỗng, trên lưng Nghê có vòi loe để chuyên rượu vào (nắp đậy chỗ này không còn, nên ta không biết nắp cũng làm bằng đất sét nung hay bằng gỗ hoặc lá cuộn). Rượu được rót ra từ vòi dài đi từ thân nậm, tựa như cọc với dây xích buộc Nghê.

Hai nậm rượu hình con Nghê đời Lý (Bộ sưu tập Bùi Ngọc Tuấn) Bình trầm hương hình Nghê: màu men, nước men, chất đất, độ nung của các bình hương này cho thấy đây là các tác phẩm làm thời Chu Đậu (thế kỷ XVI - XVIII) chứ không phải đồ đời Lý hay đời Trần. Bình hương gồm hai phần, phần dưới là một hộp nhỏ hình chữ nhật, đây là chỗ bỏ trầm vào đốt. Phần trên là nắp. Nắp là con Nghê ngồi trên một mặt phẳng đậy vừa kín phần dưới. Mình Nghê rỗng nên khi đốt trầm khói từ phần hộp phía dưới, luồn trong mình Nghê rồi bay ra từ miệng Nghê đang hơi khẽ mở, trông rất oai nghiêm. Vì trầm được đốt trong hộp kín phía dưới mà chỉ có thể thoát khói ra khỏi miệng Nghê nên cháy rất chậm, vừa toả đủ khói hương để mang đầy vẻ linh thiêng mà vẫn cháy lâu cả buổi.

Bình trầm hương con Nghê (thời Chu Ðậu, thế Kỷ 16 - 17) Hình trích từ Vietnam ceramics, A separate tradition, John Guy và John Stevensen, Avery Press 1997 Cũng có một số bát hương làm vào khoảng thế kỷ XIII, XIV với hình chó thay vì hình nghê. Đây là các bát hương có dạng nửa tô, nửa đĩa, với tượng chó ngồi ở chính giữa bát hương. Thẻ hương được đặt ngang thành bát, gác lên đầu chó.

Bát hương con Nghê Hình trích từ Vietnam ceramics, A separate tradition, John Guy và John Stevensen, Avery Press 1997 Loại khác gồm hai phần, phần dưới chắc cũng dùng để đốt trầm, khói bay luồn trong tượng chó ngồi ở giữa rồi tuôn ra miệng chó. Khi không đốt trầm, cây hương cũng được đặt gác lên đầu chó.

Phân biệt con Nghê và con Lân

Con Nghê là linh vật đặc biệt của văn hóa Việt Nam, con Lân thuộc văn hóa Trung Hoa. Về hình dạng, con Lân trông giống sư tử, mà có sừng, chân như chân trâu, thân hình tròn mập, có vẩy như vẩy rồng, miệng ngậm quả cầu, hay ngồi chống chân lên quả cầu. Con Nghê có kỳ mà không có sừng, mình thon nhỏ, chân như chân chó, dáng thanh, trông rõ ràng dáng chó chứ không tròn mập như dáng như sư tử, đuôi Nghê dài, vắt ngược lên lưng, đuôi Lân ngắn, xòe như cánh chim hay cuộn tròn như đuôi thỏ.

Bát hương con Nghê Hình trích từ Vietnam ceramics, A separate tradition, John Guy và John Stevensen, Avery Press 1997 Một số người lại còn tưởng lầm con Nghê là con sư tử. Bởi vì chữ “Nghê” (hay “toan nghê”) trong chữ Hán vốn có nghĩa là con sư tử. Tuy nhiên phải để ý rằng có nhiều chữ Hán-Việt mà nếu ta tra tự điển Tầu, thì lại có nghĩa khác hẳn, bởi vì ông cha ta rất nhiều khi mượn chữ Hán nhưng lại đổi nghĩa đi mà dùng (người Pháp khi nghiên cứu về Việt Nam thì lại thường học chữ Hán của người Tầu, tra cứu sách Tầu viết về Việt Nam - chứ không tìm hiểu thẳng vào văn hóa Việt - nên nhiều khi sai nghĩa, sai sự việc rất xa. Người Pháp cũng vì học theo Tầu nên đã sai theo, cũng như từng theo sách Tầu mà gọi sai nước ta là An Nam, trong khi các văn thư cổ của triều đình Huế thì chỉ dùng chữ Việt Nam hay Ðại Nam. Trong quyển Chơi chữ, Lãng Nhân đã từng đưa ra vài ví dụ như: “tử tế” có nghĩa là “tinh mật, kỹ lưỡng” ta lại quen dùng theo nghĩa hiền hậu; “lịch sự” có nghĩa là “trải đời” ta dùng là “sang trọng”, “trân trọng” nghĩa là “quý trọng” lại bị đổi là “nghiêm cung, kính trọng”... Trong cách thức đó, ông cha ta đã không cần để ý đến chữ “Nghê” có nghĩa là con gì trong chữ Hán, mà cứ lấy đó để đặt tên cho “chó đá hóa linh”. Nếu ai đã từng nhìn thấy tượng con Nghê thì cũng đều nhận thấy rằng đó là con chó đang ngồi chứ không phải là con lân hay con sư tử. Vài nhà nghiên cứu đã không có cơ hội này nên chỉ biết theo sách của người Pháp, tự điển của người Tầu mà lầm con nghê Việt Nam ra con sư tử hay con lân của Tầu. Chúng tôi chủ trương rằng nghiên cứu đồ cổ thì phải nhìn thấy tận mắt, tốt hơn nữa là được cầm trong tay, và được nghe từ tiếng nói dân gian trong thôn làng xưa rồi suy nghẫm, tra cứu, đối chiếu. Vì thế, ngoài những hình chạm khắc trên cốn, tượng con nghê trên đầu đao, trên cổng các ngôi đình làng cổ ở miền Bắc, lời chỉ dẫn của các cụ già, chúng tôi còn dựa sự quan sát của mình trên các tượng con nghê, các nậm rượu trong bộ sưu tập đồ cổ của riêng mình.

Thời thịnh đạt của con Nghê

Trong những thế kỷ Bắc thuộc, khi người Trung Hoa làm đủ mọi cách để hủy diệt văn hoá Việt Nam, như tịch thu, hủy diệt và cấm làm trống đồng, bắt người Việt đổi theo họ Tầu (vì thế những họ cổ Việt Nam như họ Thi (Thi Sách), họ Trưng (Trưng Trắc)... không còn nữa....), thì không biết ông cha ta có làm hình tượng chó đá và con Nghê không? Quan sát cách sinh hoạt của người thượng trên các miền cao nguyên, ta thấy rằng con chó vẫn là con vật rất quan trọng của đời sống thôn dã. Vậy thì ai có thể quả quyết rằng, chó đá, con Nghê không được phát sinh từ thời xa xưa? Tuy nhiên chúng tôi cũng chưa có dịp may mắn được thấy các hình ảnh hay vật tích hình con Nghê của thời đại cổ xưa này. Ước rằng có người với những phương tiện đầy đủ sẽ làm các việc khai quật nghiên cứu và tìm ra di tích con Nghê từ thời xa xưa.

Sau khi Ngô Quyền khởi lại thời tự chủ, sau khi Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn tổ chức lại trật tự trên đất nước ta, nhà Lý, nhà Trần, rồi nhà Lê nối ngôi dựng lại nền văn hóa thuần Việt rực rỡ, phong phú. Bắt đầu từ Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long, người Việt bừng lên khí thế dân tộc. Giống như thời Hùng Vương thuở trước, từ đây cùng văn học, xã hội, chính trị, nghệ thuật tạo hình của người Việt phát triển rực rỡ, phối hợp bản chất dân tộc với ảnh hưởng Trung Hoa và Ấn Độ, tạo nên một nền văn hóa thuần Việt, song song và biệt lập với văn hóa Trung Hoa.

Trong bối cảnh văn hoá rực rỡ ấy, với sự nẩy nở của những nghệ phẩm, tác phẩm Việt Nam, sự phát triển của kiến trúc đình chùa, sự phát triển của giới quý tộc, trưởng giả càng đòi hỏi nhiều hơn nữa những phẩm vật tế tự, sinh hoạt và trưng bày. Khung cảnh và nhu cầu này đưa đến biết bao phát triển của nghệ thuật tạo hình. Nhu cầu tinh thần, nhu cầu vật chất được đáp ứng bởi bàn tay, khối óc của các nghệ nhân Việt lúc nào cũng xông xáo sáng tạo. Biết bao kiến trúc, cung điện, đình chùa mới mái cong thuần túy Việt được dựng lên. Đồ gốm Việt Nam bừng lên tổng hợp kỹ thuật và sắc men Trung Hoa với dạng thức, nét vẽ, và phong cách hoàn toàn Việt Nam. Từ đây những bình, ấm, tô, chén đĩa... những món đồ Lý Trắng, Lý Nâu, Lý Lục, Lý Đen, những món đồ men ngọc, chuyển qua những món men trắng hoa chàm của đời Trần, đời Lê tuyệt vời, được sản xuất mạnh mẽ; Rồi tiếp theo đó, sang thế kỷ XIV, XV, XVI là thời của gốm Chu Đậu, thời tuyệt đỉnh của đồ gốm Việt Nam, với biết bao phẩm vật xuất cảng sang vùng Ba Tư, Nam Dương, Phi Luật Tân, Nhật Bản...

Bình trầm hương thòi Chu Ðậu, thế kỷ 16, 17 Hình trích từ Vietnam ceramics, A separate tradition, John Guy và John Stevensen, Avery Press 1997 Dựa trên số lượng và phẩm tính của những con Nghê trong các viện bảo tàng và bộ sưu tập của các tư nhân, ta thấy rằng thời thịnh đạt nhất của con Nghê là từ đời Lý cho đến cuối đời Tây Sơn (thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII). Suốt từ đời Lý, con Nghê được trọng dụng ở khắp mọi nơi, từ những ngôi nhà dân dã, từ cung đình, cho đến lâu đài, đình chùa, lăng miếu... Đến cuối đời Lê, loạn Trịnh - Nguyễn phân tranh, đất nước đi vào 300 năm khói lửa, nhưng không vì thế mà văn hoá Việt điêu tàn, mà trái lại càng phát triển mạnh thêm về mọi mặt (thơ văn, kiến trúc, khắc gỗ, gốm sứ...). Trong suốt 8 thế kỷ này, các bình hương trầm, các nậm rượu, và các tượng hình con Nghê là những món không thể thiếu ở nơi tế tự, ở các nhà trưởng giả cho đến nhà bình dân.

Xin tham khảo thêm:
1) hình con Nghê trên đầu đao đình làng Phù Lão (Bắc Giang, thế kỷ 17) trong cuốn Đình Việt Nam - Hà Văn Tấn và Nguyễn Văn Kự, 1998,

2) hình con Nghê trên đầu đao đình làng Trung Cần (Nghệ An, thế kỷ 18) trong cuốn Đình Việt Nam - Hà Văn Tấn và Nguyễn Văn Kự, 1998,

và hình con Nghê khắc trên cốn đình làng An Hoà (Hà Nam) trong cuốn Đình Việt Nam - Hà Văn Tấn và Nguyễn Văn Kự, 1998

Thời suy tàn của con Nghê

Khi Nguyễn Ánh thống nhất sơn hà, triều đình nhà Nguyễn - có lẽ do mặc cảm, do lòng thù ghét các dấu vết văn hóa của đất Bắc, của nhà Trịnh, nhà Tây Sơn - đã quay lưng lại văn hóa Việt nam mà ưa chuộng văn hóa Trung Hoa. Thế cho nên con rồng Việt Nam uyển chuyển của đời Lý Trần Lê, đã bị thay bằng con rồng Tầu thân mập vẩy to, mặt ngắn. Thế nên thành Thăng Long bị phá đi xây lại nhỏ hơn và biết bao cung điện đời trước (còn lại sau những năm dài chinh chiến) đã bị triều đình nhà Nguyễn cho phá đi. Thế nên, dù đang trong tình trạng chật vật cạnh tranh với đồ gốm Tầu trên thị trường quốc tế, cả một kỹ nghệ đồ gốm Việt nam đã không được triều đình nâng đỡ. Thay vào đó các món đồ dùng trong cung đình Huế được đặt làm từ các lò gốm ở bên Tầu. Thế nên cả làng Chu Đậu (Hải Dương) phải bỏ nghề gốm mà chuyển qua nghề dệt chiếu (một số nhỏ đã dọn đến Bát Tràng tiếp tục nghề cũ, trong phạm vi rất nhỏ hẹp so với Chu Đậu). Trong các cung điện ở Huế, con Nghê không được dùng, vì đã bị con Lân của Tầu thay thế. Các lư trầm bằng đồng với hình tượng con Lân trên nắp trở nên phổ thông. Các nhà trưởng giả đua theo triều đình chuộng các linh tượng Trung Hoa. Kỹ nghệ đồ gốm tàn lụi, con Nghê chỉ còn sót lại trong những bàn thờ cổ ở chốn thôn dã miền Bắc. Đau đớn thay là tinh thần nô lệ Bắc phương!

Hãy đi đến các ngôi chùa, các kiến trúc ở Việt Nam làm từ thế kỷ XIX, ta thấy ngay rằng, con rồng Việt đã biến đổi, con Nghê đã bị thay bằng con Lân, chim Hạc chỉ còn là biểu tượng xưa cũ. (Kiến trúc Việt Nam đăc biệt ở chỗ có mái cong - trong khi kiến trúc Trung Hoa có mái thẳng - thế nhưng cung điện ở Huế và các đình làng làm từ thế kỷ XIX (từ Quảng Trị vào miền Nam) chỉ có mái thẳng, trang trí bằng hình con Lân hay Tứ linh - long, ly, quy, phụng - hay hình con hổ.)


Thương thay, các biểu tượng thuần Việt, các nét tạo hình thuần Việt không còn được người Việt biết đến nữa. Rồi người ta rủ nhau về nguồn băng cách quơ quíu những hình ảnh, biểu tượng của văn hóa Trung Hoa hay Nhật Bản, còn bụt chùa nhà thì bỏ lăn lóc.

Đến thăm các trung tâm văn hóa Việt Nam ở Mỹ, đi dự các buổi lễ hội do những cộng đồng người Việt tổ chức, ta thấy họ hãnh diện trưng bày các tranh ảnh, phông cảnh vẽ cảnh sinh hoạt đình chùa ở thôn làng Việt Nam; Nhưng hỡi ơi, mái đình, mái chùa vẫn cứ là mái thẳng, trông như lịch Tầu, vẫn thấy vẽ con Lân Tầu, con Rồng Tầu.

Ôi văn hóa ông cha đâu rồi, những người lớn tuổi còn sơ sót như vậy, thì làm sao mà dạy thế hệ trẻ đây? Rồi khi đi qua cửa các nhà giàu có ở Hoa Kỳ, ta vẫn thấy chủ nhà hãnh diện bầy hai con Lân hai bên cửa, cứ như là chùa Tầu. Ở các lò gốm bên Việt Nam, ở Non Nước, Hội An (Đà Nẵng), các nhà khắc chạm cẩm thạch, đâu đâu cũng chỉ sản xuất toàn con Lân mà không có con Nghê. Buồn thay!

Chúng tôi ước ao rằng các họa sĩ Việt hãy vẽ mái đình cong, với hình tượng con Nghê trên đầu đao, các nhà làm đồ gốm Việt Nam sẽ làm lại tượng con Nghê, bình hương trầm con Nghê, để tất cả chúng ta còn hãnh diện nối theo dòng văn hóa Việt Nam của ông cha thuở trước.

Bùi Ngọc Tuấn

(sưu tầm để "đối đáp" cho bài này của bác Tai Vểnh và xin cáo lỗi với mọi người là một số hình ảnh bị rơi rụng trong quá trình tải về, mong mọi người thông cảm, sẽ tìm bổ sung sau)
 

amifidele

Member
Các cổ vật có hình con Nghê của Bảo tàng Guimet (Paris)

Các cổ vật có hình con Nghê của Bảo tàng Guimet (Paris)

1. Chân đèn có tượng Nghê, với ký hiệu cho biết được chế tạo vào năm 1637 tại Bát Tràng.

Chân đèn (Musée Guimet)


2. Đĩa vẽ hình Nghê, được sản xuất cho thị trường Trung Đông và những nước theo Hồi giáo.

Đĩa sứ (Musée Guimet)


Các hiện vật hình con Nghê của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội)
1. Đỉnh có nắp, men trắng xám rạn: Triều Lê Trung Hưng, tháng 4 năm Vĩnh Hựu 2 (1736). Đỉnh có nắp hình vòm, chỏm là tượng Nghê vờn ngọc, xung quanh trổ thủng bát quái, gờ miệng phẳng, thân phình, 3 chân thú chạm nổi hổ phù, 2 quai hình rồng. Trang trí nổi các băng văn dây lá lật, hồi văn chữ T, lá đề và rồng trong mây. Minh văn khắc dưới đế: Vĩnh Hựu vạn vạn niên chi nhị, tứ nguyệt nhật cung tác). Men rạn trắng xám.

Đỉnh có nắp (BTLSVN)


2. Nậm rượu, men nhiều mầu: Triều Mạc - Lê Trung Hưng, thế kỷ 16 - 17. Nậm có cổ cao hình trụ, miệng đứng, thân chia 6 múi nổi hình cánh hoa, chạm nổi hình Nghê và hoa, viền đế tô nâu. Men trắng ngà và xanh rêu.

Nậm rượu (BTLSVN)


3. Tượng Nghê, men trắng ngà và xanh rêu: Triều Lê Trung Hưng, thế kỷ 17. Tượng Nghê trên bệ chữ nhật, tư thế ngồi chầu, 2 chân trước chống, 2 chân sau khuỵu gập lại, đầu ngẩng, cổ đeo chuỗi nhạc nổi. Xung quanh thân và chân chạm mây. Ðế chữ nhật chạm mây, hoa sen và hồi văn. Men trắng ngà và xanh rêu.

Tượng nghê (BTLSVN)


4. Hũ có nắp, men rạn và lam: Triều Nguyễn, niên hiệu Gia Long (1802-1819). Nắp hũ hình vòm có chỏm là tượng Nghê vờn ngọc, vẽ mây xung quanh. Hũ có gờ miệng uốn, cổ ngắn, vai phình, thân cao, đế rộng. Vai đắp nổi 4 đầu sư tử ngậm vòng tròn. Vẽ lam đề tài phong cảnh sơn thuỷ, nhà cửa, cây lá, người đội ô, người chèo thuyền. Minh văn viết bằng men lam dưới đế: "Gia Long niên chế" (Chế tạo trong niên hiệu Gia Long).

Hũ men rạn (BTLSVN)


5. Hũ có nắp, men nâu trắng và lam: Triều Nguyễn, niên hiệu Gia Long (1802-1819). Nắp có chỏm hình Nghê vờn ngọc, vẽ hoa lá men lam. Hũ có gờ miệng phẳng, cổ ngắn, vai phình, đáy lõm. Trên vai đắp nổi 4 đầu sư tử ngậm vòng. Xung quanh thân vẽ lam tiêu - tượng, mã - liễu, tùng - lộc. Minh văn viết 4 chữ: "Gia Long niên tạo" (Chế tạo trong niên hiệu Gia Long). Men nâu, trắng và lam.

Hũ có nắp (BTLSVN)


6. Đài thờ có nắp, men rạn, ngà: Triều Lê Trung Hưng, thế kỷ 18. Đài thờ có 2 phần, miệng hình ô van, nắp trang trí nổi núm hình Nghê, băng lá lật, mai - trúc - cúc - tùng, chữ "vạn", hổ phù. Men rạn ngà.

Đài thờ (BTLSVN)


7. Tượng Nghê, bằng sành: Triều Lê-Nguyễn, thế kỷ 18 - 19. Nghê đứng trên bệ chữ nhật, quanh thân chạm nổi văn mây. Màu đỏ nâu.

Tượng nghê sành (BTLSVN)


8. Tượng Nghê, bằng sành: Triều Lê-Nguyễn, thế kỷ 18 - 19. Nghê quỳ trên bệ chữ nhật, đuôi xoắn, thân chạm nổi văn mây. Màu đỏ nâu.

Nghê sành (BTLSVN)


(Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam)
 

Hoangminh

Member
Các bác cho biết ý kiến về phần lời tựa tiểu thuyết chó ngao tây tạng có đề cập về con nghê là hình tượng hoá của con tibetan matif mà ra. Bác nào am hiểu xin ý kiến về vấn đề này . Thank. Nhìn kỹ con nghê em thấy rất giống con chó các ah. Mà văn hoá TQ và VN có nhiều điểm tương đồng lắm nên xin các bác ý kiến ah.
 

puk_inter

Member
Điều tôi quan tâm là sự "thuần Việt" của hình tượng "nghê" thì lại ko thấy phân tích ? . Được sử dụng trang trí qua nhiều triều đại ko hẳn là một sự "thuần", "thuần Việt" là khái niệm về tính độc đáo, riêng biệt ko lẫn lộn của người Việt. Lâu nay cũng từng nghe nhiều về việc chúng ta cần giữ gìn bản sắc độc đáo này kia của người Việt...trên các phương tiện truyền thông, lòng cũng tự hào, cũng rung động lắm nhưng cái cụ thể của "bản sắc" đó là như thế nào thì cho tới giờ này thì cũng mơ mơ hồ hồ. Có ai am tường , cắt nghĩa giúp tôi với.
 

amifidele

Member
2 con nghê đá ở đền vua Đinh

Đền vua Đinh - Tỉnh Ninh Bình
Vị trí: Đền vua Đinh ở làng Trường Yên Thượng, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Đặc điểm: Đền vua Đinh thờ vua Đinh Tiên Hoàng.


Ðền toạ lạc trên khuôn viên diện tích chừng 5ha, thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Ðền được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 17, theo kiểu "nội công, ngoại quốc". Lớp ngoài là Ngọ môn quan (cổng ngoài) có 3 gian lợp ngói. Qua một sân ngắn vào đến lớp thứ hai là đến Nghi môn (cổng trong) 3 gian dựng bằng gỗ lim kiến trúc theo 3 hàng chân cột. Bốn góc ngoài của Nghi môn nội có xây bốn cột trụ cao. Ði hết chính đạo, qua hai cột trụ lớn là đến sân rồng. Giữa sân rồng có một long sàng bằng đá xung quanh chạm nổi, dài 1,8m, rộng 1,4m. Hai bên sập rồng có 2 con nghê đá chầu, được tạc trên hai tảng đá xanh nguyên khối đẹp.


Từ sân rồng bước lên là Bái đường 5 gian, kiến trúc độc đáo. Tiếp đến là Thiêu hương, kiến trúc theo kiểu ống muống, nơi thờ tứ trụ triều đình nhà Ðinh. Ði hết toà Thiêu hương du khách bước vào chính cung 5 gian. Gian giữa thờ tượng vua Ðinh được đúc bằng đồng đặt trên bệ thờ bằng đá xanh nguyên khối. Hai bên bệ đá có hai con rồng chầu bằng đá, tạc theo kiểu yên ngựa. Gian bên phải thờ tượng Ðinh Phụng Lang (ngoài), Ðinh Ðế Toàn (trong) đều quay mặt về phía bắc, là hai con thứ của vua Ðinh Tiên Hoàng. Gian bên trái thờ tượng Ðinh Liễn quay mặt về phía nam là con trưởng của vua Ðinh Tiên Hoàng.


Ðền Ðinh Tiên Hoàng là một kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ và đá của các nghệ sĩ dân gian Việt Nam ở thế kỷ 17 - 19. Ðền vua Ðinh nằm giữa các tán cây đại thụ, các vườn cây ăn quả, cây cảnh đan xen nhau càng tạo nên vẻ bề thế, hoành tráng tôn nghiêm của ngôi đền.
 

catsamac

Member
Các bác quan tâm đến nền văn minh Việt xin mời vào đường link trong chữ ký của em có cả một kho tàng luôn. Không chỉ con nghê đâu!

Còn cả một nền văn minh của người Việt đã mất hoặc bị cướp mất!
 

amifidele

Member
Cái bác catsamac này;)

Ở đây người ta đang nói về chó đá và con nghê mà, bác lại dẫn người ta đi đâu vậy? :)

Vấn đề là không biết trong các linh vật 4 chân của Trung Quốc, ngoài Lân, Kỳ Hưu ra thì có linh vật nào giống con Nghê của Việt Nam mình không, để trả lời cho 2 bác ở trên đã hỏi kìa bác ơi :)
 

catsamac

Member
Nhìn kỹ con nghê đá thấy giống chó Phú Quốc ghê=))

Cũng có cái dải lông mọc ngược và mấy cái xoáy. Nhiều con đuôi cũng "vót cần câu" còn nhiều con đuôi ''cờ lau"Bằng chứng này có vẻ hay ho đây:D

" Dải lông mọc ngực rõ ràng, đuôi vót cần câu, xoáy cổ xoáy ngực,..."

 

amifidele

Member
Bác cũng "linh hoạt" ghê nhỉ ? :smug:

Còn đôi tai thì sao hả bác?

Bác có "ngon" thì thử chứng minh là con nghê là thuần Việt đi! ;)

(Xin được chú thích cho hình trên là tượng con Nghê đời Lý, thế kỷ XI-XIII - sưu tập của Bùi Ngọc Tuấn)
 

amifidele

Member


Con Nghê khắc trên cổn đình làng An Hòa (Hà Nam)



Con Nghê trên đầu đao đình làng Phù Lão (Bắc Giang - thế kỷ XVII)
 

catsamac

Member
Không những tai mà còn có mắt cọp nữa nhưng không biết có phải đồ cổ không


Nghê làng Đông Hồ



Nghê mình chó



NGhê có bộ lông nhiều xoáy



"đuôi vót + xoáy mông''



ở đây có cái sừng giống cái xương chẩm lồi ở chó Phú quốc



Theo truyền thuyết thì nó là 1 loài thú có sừng, có bờm uốn cong rất dài nên còn có tên gọi là "hươu trời" hai cái sừng của nó có tác dụng "trừ tà, về sau nó có xu hướng phát triển thành con thú một sừng. Người ta nói rằng Tỳ hưu có tác dụng hút tài lộc bốn phương về cho gia chủ. ( cái này mấy ông phong thủy nói - không biết thế nào!)

Nếu để canh cửa thì có lẽ con Nghê đúng hơn là Kỳ lân. Mà cái vụ trông nhà hay canh cửa chắc không giống chó nào bằng chó Phú Quốc. Có đời nào ai nuôi sử tử để canh cửa thì ai dám đến nhà chơi?
 

amifidele

Member
Con nghê được tìm thấy ở Chu Đậu

Trong bài "Người làm chiếc bình gốm hoa lam cổ Chu Ðậu" (Báo Nhân Dân hằng tháng số 118 tháng 2-2007) đã dẫn: Tộc họ Bùi làng Quang Tiền, xã Ðồng Quang, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương còn lưu giữ được hai cuốn gia phả.

Cuốn thứ nhất viết bằng chữ Hán, sao y bản cổ năm Nhâm Thìn (1832); cuốn thứ hai sao tóm tắt cuốn thứ nhất năm 1932 (tức 100 năm sau). Gia phả có những trang viết về lai lịch bà Bùi Thị Hý trước đây lấy ông Ðặng Sĩ ở Chu Ðậu có làm gốm tại Chu Ðậu và ở quê hương của bà (trang Quang Ánh, xã Ðồng Quang, Gia Lộc, Hải Dương, nay là thôn Quang Tiền, xã Ðồng Quang, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương).

Tại quê bà có di tích lò gốm. Ngoài hai cuốn Gia phả tộc họ Bùi còn giữ được, con cháu ngày nay còn sưu tầm (đào, mò dưới ao) được một số di vật chứng tỏ nơi quê bà trước đây có lò gốm như ắc bàn xoay, con kê, một số vật dụng gốm bát, đĩa... khác.

Tháng 5-2007 vừa qua con cháu tộc Bùi bà Bùi Thị Hý còn đào được ở dưới ao khu di tích nền lò cũ một "con nghê" đất nung dài 27 cm, cao 22 cm, dày 6 cm, ở phía sau "con nghê" có những dòng chữ: "Quang Thuận nhất niên - Quang Ánh trang - Bùi Thị Hý tạo".

Như vậy ngoài việc bà làm chiếc bình gốm hoa lam cổ hiện đang trưng bày tại bảo tàng quốc gia Tovkapisaray (Thổ Nhĩ Kỳ) năm Thái Hòa bát niên (1450), nay lại tìm thấy tác phẩm "con nghê" (gốm trang trí ở các đình, chùa, đền, miếu...) có bút tích của nghệ nhân gốm Bùi Thị Hý làm năm 1460 (Quang Thuận nhất niên).

 

amifidele

Member
Cái ảnh đầu tiên của bác catsamac (con vật có cánh) và những lời viết ở cuối bài của bác là con Kỳ Hưu (hay Bì Hưu) của Trung Quốc. Hè vừa rồi tui có đến lầu Phong Thủy ở Bắc Kinh (Đức Thắng Môn) nên tui "rành 6 câu"! Bác đừng hòng gạt tui! He He!

Kỳ Hưu không phải là nghê! Kỳ Hưu có sừng, có cánh và không có...hậu môn (để giữ tài lộc, chỉ có ăn mà không có cho ra).
 

amifidele

Member
Bộ sưu tập nghê của chị Tú Anh

Một số hiện vật khác mà bác catsamac trưng bày ở trên có lẽ nằm trong bộ sưu tập Nghê của chị Tú Anh, xin xem bài dưới đây:

Người đàn bà sống giữa bầy nghê
(Nguon: VietNamNet) - Nghê đầu rồng biểu tượng cho sự chính trực. Nghê mình chó thể hiện lòng trung thành. Nghê hình rồng chầu mặt trời dũng mãnh, uy nghiêm. Nghê có đuôi vút cao liên tưởng đến Như ý, một trong tám món vật quý (bát bửu)... Đặc biệt bộ sưu tập của chị có cặp nghê có lông hình xoắn ốc như xoắn ốc trên đầu tượng phật mà người ta gọi là phật ốc, bụt ốc. Đây cũng là cặp nghê duy nhất gồm một con cái, một con đực!


Nghê mình chó



Một người đàn bà hiện đại sống giữa bầy nghê gỗ xưa cũ chừng 50 con ngay trong lòng thành phố Sài Gòn ồn ào sôi động... Ít ai nghĩ người phụ nữ hiện đại này thích chơi với những con nghê gỗ xù xì hơn là dạo qua các trung tâm mua sắm, làm đẹp sang trọng.

Kể cũng hơi "tân cổ giao duyên" khi đằng sau căn biệt thự, ngay bên bờ hồ bơi mát rượi bất ngờ hiện ra một căn nhà cổ thứ thiệt. Trong nhà ngổn ngang trăm thứ nhưng nổi bật là những con nghê được đặt ở vị trí dễ nhìn thấy nhất.

Ở đâu không biết, chứ ở Sài Gòn, chỉ có người phụ nữ ấy, chị Tú Anh, sở hữu một bộ sưu tập nghê. Chẳng ai chơi món này vì trong mắt nhiều tay sưu tập, nó không giá trị mấy. Nghê của chị là nghê gỗ, chủ yếu là loại nghê đội giá sớ.


Nghê có bộ lông xoắn ốc



Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nhưng quê ngoại ở Hà Bắc. Những năm tháng chiến tranh tôi về đây sơ tán. Nhà bà ngoại có một điện thờ, là nơi thờ cúng cho... cả làng. Ngày ấy ai ốm đau, gặp khó khăn như gà toi, lợn ốm, cần tin tức của chồng, con nơi chiến trường... đều đến xin bà xem lá trầu, xem chân gà, gọi hồn, lên đồng, khấn vái... Tôi đã sống trong khói hương, tiếng chuông tiếng mõ của bà, trong hương hoa bưởi, hoa chanh, trong muôn vạn sắc màu hoa mẫu đơn, dâm bụt...

Mỗi lần bước vào điện của bà, tôi vừa sợ, lại vừa thích. Những ông quan bà chúa trên ban phủ nhìn xuống, những rồng, những hổ, sư tử, nghê mắt thật to trên các điêu khắc gỗ, trên các hình bằng giấy dán cứ chăm chắm nhìn tôi. Cái không khí thâm nghiêm, âm u ấy khiến tôi thấy gai người. Nhưng rồi ngày nào tôi cũng chui vào trong điện những lúc hiếm hoi vắng bóng người.


Chị Tú Anh bên bộ sưu tập nghê trong căn nhà cổ



Hẳn đến đây, bạn đọc sẽ "à, rồi chị ấy đâm mê "món" nghê chứ gì?". Chị ấy sợ, chị ấy gai người như thế, thì phải đến mãi sau này, chị mới có ý tưởng nhặt nhạnh lại những mảnh ký ức sợ sệt con nít ngày xưa.

Nếu không làm nghề hướng dẫn viên du lịch, có lẽ chị cũng đã bỏ quên những con nghê,
con rồng trợn mắt trong ngăn kéo ký ức tuổi thơ. Nếu đời sống thị
trường không len vào tận những ngôi nhà heo hút nhất, cũng chẳng có đâu
những con nghê
cho chị cắc củm mang về nhà mình. Thật oái ăm, đời sống khá lên làm
người ta quên đi những gì của ngày xưa cũ, những đồ thờ cúng hư hỏng bị
thay bằng đồ mới đẹp hơn, nhưng đồng thời lại là cơ hội cho các nhà sưu
tập như chị Tú Anh, nếu may mắn chớp được!


Nghê có bờm sư tử



Bộ sưu tập của chị chủ yếu gồm nghê thờ cúng trong các đình chùa thời Nguyễn và một ít từ thời Lê. Chẳng đôi nào giống đôi nào (nghê đội sớ) và cũng chẳng con nào giống con nào. Chúng vốn đã sứt sẹo đầy mình, có con thậm chí bay mất cả lớp sơn thếp, trơ ra thớ gỗ, nhưng mỗi lần phát hiện con nào sứt thêm miếng gỗ, chị lại xót.

Dù đội sớ hay không, nghê đều có chung một nét mạnh mẽ, dữ tợn và toát lên vẻ tôn nghiêm, cao quý. Nhưng vẫn thấy trên mình những đôi nghê đội sớ chút gì đó cam chịu, con thì hõm một lỗ khá sâu, dấu vết của miếng giá bị vỡ, con thì hằn trên lưng một vệt như bị roi quất.


Nghê hóa rồng



Tôi rất yêu những món đồ cũ kỹ, gãy hỏng này. Đối với tôi chúng không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật mang tính lịch sử về điêu khắc, mà còn mang đậm nét văn hóa tâm linh, tôn giáo. Tôi thấy xót xa khi thấy chúng bị đốt, bỏ lẫn trong đống củi, xà bần, bên bờ ao hay trong bùn đất...

Nghê đầu rồng biểu tượng cho sự chính trực. Nghê mình chó thể hiện lòng trung thành. Nghê hình rồng chầu mặt trời dũng mãnh, uy nghiêm. Nghê có đuôi vút cao liên tưởng đến Như ý, một trong tám món vật quý (bát bửu)... Đặc biệt bộ sưu tập của chị có cặp nghê có lông hình xoắn ốc như xoắn ốc trên đầu tượng phật mà người ta gọi là phật ốc, bụt ốc. Đây cũng là cặp nghê duy nhất gồm một con cái, một con đực!


Đôi nghê có đuôi "như ý"



Ngày trước nhặt nhạnh, "tha" về từ đống đổ nát, hoặc mua lại của những người không dùng nữa, giờ đây đã có những "cộng tác viên" biết chuyện sưu tập của chị góp tay tìm, mua giúp. Tưởng chẳng ai ngó ngàng đến món nghê gỗ này, song cũng đã có người ra giá rất cao để mua lại.

Chị không bán, vì đó là đam mê, là hình ảnh của ngày thơ ấu trong chị nơi miền nông thôn Bắc bộ giờ xa ngái cả nghìn cây số. Ngồi trong căn biệt thự thoang thoảng hương hoa nhân tạo, chứ không phải trong căn nhà đậm hương bưởi, hương chanh ngày cũ, chị tiếc:

Bây giờ các đền chùa, đình miếu, từ đường, lăng mộ... vẫn đang được sơn phết làm mới. Có bức tượng hàng trăm tuổi bị biến mất dưới vài nét chổi sơn đỏ vàng rực rỡ, thậm chí người ta không dùng sơn ta mà dùng sơn Thái cho đẹp và nhanh khô. Nói gì đến mấy con nghê bé tẹo này...

Chị Tú Anh với một chú nghê
Trong đời sống văn hóa người Việt xưa, nghê là con vật linh, được thờ phụng như các con vật trong tứ linh. Nghê là biểu tượng của trí tuệ, quyền uy, dũng mãnh và sự tôn nghiêm, linh thiêng. Nhưng người ta cũng thường lẫn lộn giữa nghê và lân.

Trong cuốn sách về nghệ thuật Huế của mình, tác giả M.J.E.Charle cũng đề cập đến sự lẫn lộn này. Ông miêu tả: "Nghê luôn có hình thức đứng cong lưng, gồng người, có móng, có lông, mồm thì nhe nanh, chồm về phía trước ở tư thế mạnh mẽ, oai vệ. Nhìn vào ta vẫn thấy dáng vẻ của sư tử, nhưng là một con sư tử nhanh nhẹn vì truyền thuyết kể rằng nó đi một ngày được 500 dặm, thậm chí còn nói nó nhảy một cái vượt qua được 500 dặm, ăn thịt cả hổ...".
  • Bài, ảnh: Võ Tiến
 

amifidele

Member
Xin được trở lại với con Nghê ở hai di tích nổi trội: đó là Đền Thờ Vua Đinh ở Cố Đô Hoa Lư (Ninh Bình) và Chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh:

1) Nghê ở Đền Thờ Vua Đinh Tiên Hoàng (mà người chụp ảnh đã nhầm và chú thích là lân):



2) Nghê ở Chùa Bút Tháp:

 

amifidele

Member
Và còn nhiều con nghê khác đã bị quên lãng đâu đó tại nhiều di tích khác (mong các bác bỏ công sưu tầm và bổ sung vào đây) ở Việt Nam.

Đến đây thì tạm kết luận:

Nghê không phải là Kỳ Hưu và không phải là Kỳ Lân (2 linh vật trong văn hoá Trung Quốc).

Còn Nghê có phải là linh vật thuần Việt hay không (như nhà sưu tập cổ vật Bùi Ngọc Tuấn đã có bài viết) thì chúng ta cần tìm hiểu thêm.

Xin đọc thêm:
http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=220755&ChannelID=124
 

amifidele

Member
Và nếu Con Nghê là từ con chó đá dân dã được người Việt xưa tô điểm thêm trong các nét điêu khắc, chạm trổ để biến thành linh vật thì quả là người Việt xưa hết sức có lòng với con chó.

Một chút thơ...có nghê:

"Con có ở trên đời
Như sợi khói chui ra từ cọng rạ
Cay mắt mẹ đun độ mưa dầm
Ngày không.

Con khóc lặng
Mẹ khóc thầm
À ơi...
Mẹ ru con
Lời ru à ơi bên cánh võng
Dây võng nghiến vào gỗ
Kẽo kẹt...
Nghe bước chân cò đi đón cơn mưa...

Lời ru mẹ bay lên
Ngọn tre làng... cong hình dấu hỏi.
Lời ru mẹ bay lên
Nghê đá đình làng nhe răng... không nói.
Lời ru ra cánh đồng
Lúa ngậm đòng giữa thì con gái.
Lời ru trở về bên cánh võng
À ơi... "

trích thơ của Khải Nguyên
 
Top