greenvet-hanoi
Chuyên gia thú y
Chức năng huyền thoại đầu tiên của chó, được ghi nhận khắp nơi trên thế giới là chức năng dẫn hồn, dẫn dắt con người trong bóng đêm của cõi chết. Từ Anubis, Cerbère cho đến Thot, Hécate, Hermès, tất cả những nhân vật lớn dẫn dắt linh hồn, ở mọi giai đoạn lịch sử văn hoá phương Tây đều mượn bộ mặt của chó.
Ở các bộ tộc Đức cổ, có một con chó khủng khiếp tên là Garm, chuyên gác lối vào Niflheim, vương quốc của những người chết, xứ sở của băng giá và bóng tối.
Người Mêhicô cổ nuôi những con chó chuyên để làm bạn đồng hành và dẫn đường cho những người chết sang thế giới bên kia. Người ta chôn cùng người chết một con chó màu sư tử (màu lửa) để hộ vệ người quá cố. Cũng như Xolotl, chó thần đã từng hộ vệ Mặt Trời trong cuộc du hành dưới lòng đất.
Tại Goatêmala, những người da đỏ Lacandon vẫn đặt ở bốn góc mộ của họ bốn tượng chó nhỏ bằng lá cọ.
Chòm sao thứ 13 và là cuối cùng trong chòm sao Hoàng đạo Mêhicô là chòm sao Chó, nó dẫn dắt đến những ý niệm về sự chết, sự cáo chung, về thế giới dưới đất nhưng đồng thời cũng về sự khởi đầu, sự đổi mới.
Ở Xibia (Nga), người Gold bao giờ cũng chôn người chết cùng với con chó của người ấy. Trong một số dân tộc cưỡi ngựa, con ngựa của người chết bị hiến sinh và thịt của nó được phân chia cho chó và chim, những con vật dẫn đường người quá cố vào những vương quốc âm phủ và thiên đường.
Tại Iran và Bactriane, người ta phó mặc chó cho những người chết, người già và những người mắc bệnh. Ở Bombay (Ấn Độ), những người Parsi đặt một chó bên cạnh những người sắp chết, để cho người và chó nhìn vào mắt nhau. Khi một người đàn bà ở cữ chết, người ta đưa ra không phải một mà là hai con chó, bởi vì phải bảo đảm cho cuộc du hành của hai linh hồn.
Đối với người Iroquois, chó là sứ giả can thiệp giúp người. Hằng năm vào những ngày Tết năm mới, theo truyền thống người ta hiến tế một con chó trắng. Sự hiến sinh này là tiết mục trung tâm của lễ hội. Con chó được xem như một sứ giả lập tức mang lên trời những lời cầu nguyện của con người.
Là thuỷ tổ huyền thoại của con người, chó cũng có vai trò khá nổi trội trong những công việc của mặt trăng. Vì thế mà cũng giống như con vật “nguyệt tính” khác như thỏ, cáo…nó hay được xem như một thuỷ tổ hoặc một anh hùng hơi dâm dục. Ở Mélanésie nó là thuỷ tổ của một trong bốn giai cấp xã hội đã được Malinowski nghiên cứu. Con chó cái Romus gợi sự liên tưởng đến muôn vàn những họ chó khác được tôn là những anh hùng khai hoá, liên quan tới sự thiết lập chu kỳ nông nghiệp.
Ở Nam Mỹ, con chó già (Canis vetulus) không chiếm lửa mà là chủ sở hữu đầu tiên của lửa. Hai anh hùng sinh đôi dưới dạng sên và cá đã đánh cắp lửa cho y. Tại Bắc Mỹ, phép so sánh - liên tưởng giữa lửa với hành vị tính giao được xác nhận trong nhiều huyền thoại khác nhau, biểu dương con chó như một anh hùng sinh ra lửa. Đối với người Sia và Navajo ở Mêhic mới, người Kaok, người Gallinomero, người Achomawi, người Maidu ở Californie; chó sói - anh hùng vĩ đại của thảo nguyên - đã sáng chế ra lửa bằng sự cọ xát hoặc đã đánh cắp lửa, giấu vào trong tai mang về cho con người. Nó còn tổ chức cuộc chạy đua tiếp sức, mà qua đó con người đã suy tôn nó như một thần linh.
Các truyền thuyết ở châu Đại Dương nhấn mạnh nhiều hơn ý nghĩa tính dục trong biểu tượng chó, tuy vẫn luôn gắn chặt với hành động chiếm lửa. Tại Nouvelle - Guinée, nhiều bộ tộc cho rằng con chó đã đánh cắp lửa của chủ nhân đầu tiên là con chuột, tất nhiên là lửa của âm ty.
Trong thế giới người Celtes, chó gợi sự liên tưởng với giới quân nhân. Trái ngược với thế giới Hy - La, người Celtes coi con chó là khách thể của những so sánh và những ẩn dụ có tính ngợi ca. Người anh hùng vĩ đại nhất của ho - Cùchulainn - con chó của Culann. Tất cả những người Celtes ở hải đảo cũng như ở châu lục đều huấn luyện chó để chiến đấu và đi săn. Chó ác tâm chỉ có trong folklore, có thể do bị ảnh hưởng của đạo Kitô. Ở Bretagne, con chó đen trên núi Arée biểu thị cho những người bị nguyền rủa. Người anh hùng Ailen Cùchulainn có một kiêng kỵ chính trong ăn uống là thịt chó. Và để buộc chàng phải chết, những mụ phù thuỷ mà chàng bắt gặp trên đường ra trận đã đem thịt chó đến và bắt chàng phải ăn.
Ở Viễn Đông, con chó mang ý nghĩa biểu tượng hai mặt đối nghịch nhau về bản chất. Lành bởi vì nó là bạn gần gũi của con người và canh gác nhà cửa cho con người. Dữ bởi vì nó có họ hàng với chó sói và chó núi, được xem như một con vật bẩn thỉu và đáng khinh. Tại Tây Tạng (Trung Hoa), chó là biểu hiện của sự phóng dục, sự đam mê nhục dục và đồng thời là tính cả ghen. Ai sống như chó, Đức Phật dạy, thì khi thân xác tan rữa, sau khi người ấy chết đi sẽ đi với chó.
Khu vực Trung Á đã cung cấp những truyền thuyết có thể được xem là trung gian, những missing links (khâu thiếu hụt) mà qua đó có thể hiểu được vì sao con chó dần dần trở thành một con vật ô trọc, bị nguyền rủa, mang một vết nhơ không thể tẩy xoá được.
Ở Việt Nam
Trong tín ngưỡng của người Cơ Tu, con chó chính là vật tổ của họ. Truyền thuyết kể rằng, thuở xưa có một trận đại hồng thuỷ tiêu diệt muôn loài. Chỉ còn một cô gái và một con chó sống sót nhờ trốn vào một chiếc trống. Cô gái sống cùng với con chó như vợ chồng, sinh ra hai người con, một trai, một gái. Lớn lên, người con trai xuống đồng bằng, người con gái ở lại miền núi. Cuối cùng hai người lại gặp lại và lấy nhau, sinh ra một quả bầu. Từ quả bầu đó, người Cơ Tu, người Bru, người Tà Oi, người Việt…ra đời.
Truyền thuyết về ông tổ chó cũng còn thấy ở nhiều dân tộc khác ở Việt Nam như Xê Đăng, S’tiêng, Giẻ Triêng, Chăm, Dao, Lô Lô…Tuy nhiên, các truyền thuyết và phong tục gắn với ông tổ chó ở người Dao là rõ rệt và đặc sắc nhất.
Thuở xưa, một vị hoàng đế Trung Hoa đã hứa gả con gái mình cho ai có thể mang về cho ông ta cái đầu của kẻ thù mình, thủ lĩnh của người Tây Tạng có ông tổ là chó. Một con chó thần có tên là Bàn Hồ đã thực hiện được yêu cầu đó. Vị vua ngần ngại nhưng cuối cùng cũng phải thực hiện lời hứa của mình. Con chó đưa công chúa về một hang núi ở phía nam. Nàng đẻ ra 6 người con trai và 6 người con gái, về sau trở thành tổ tiên của người Dao và các tộc người khác ở phía Nam.
Một truyền thuyết khác của người Dao kể lại, từ thời lâu lắm rồi có hai ông vua muốn tranh giành đất đai của nhau, đã gây nên chiến tranh thảm khốc. Đất nước của Bình Vương nơi có người Dao ở đã chống lại sự xâm lược của Cao Vương. Họ đánh nhau ròng rã chưa phân thắng bại. Đất nước của Bình Vương ngày càng kiệt quệ, xơ xác. Bình Vương ra chiếu chỉ sẵn sàng cung cấp quân lương cho ai có thể đánh thắng được Cao Vương, sẽ ban thưởng và gả cô công chúa xinh đẹp. Có chàng trai tên Bàn Hộ có sức mạnh phi thường xung phong đi giết giặc. Bàn Hộ dùng phép thuật biến mình thành một con chó, rồi cuối cùng chàng cũng giết được Cao Vương. Bình Vương gả con gái cho Bàn Hộ (lúc này vẫn hoá thân là chó). Bàn Hộ mang vợ tới núi Nam Sơn ở trong hang đá. Hai người sinh được 6 người con trai và 6 người con gái. Họ sống tách biệt nhau, không tiếp xúc với mọi người, nên sau này anh chị em lấy nhau và sinh ra 12 dòng họ người Dao. Từ đó, người Dao xem chó là tổ tiên của mình và không bao giờ ăn thịt chó.
Trong quan niệm của người Mường, Gà và Chó đóng vai biểu tượng của Sống (sáng) và Chết (tối) ở hai thế giới đối nghịch nhau trong không gian, đại diện cho các loài sống dưới thấp, trên mặt đất. Đối lập là cặp Chim và Vọ là những loài sống trên cao. Con chó ngao đứng canh gác bên kia cầu Nại hà (con sông to như cái vạc) mà dòng chảy bọc lấy điện cuối cùng trong Thập điện họp thành Âm ty.
Chó đá Trong tiếng Tày - Nùng đọc là Ma hin. Ở phố Phai Món (phường Hoàng Văn Thụ, thành pho Lạng Sơn), một phố cổ của xứ Lạng, người Nùng Cháo ở đây có tục chọn ngày tốt để đặt con chó đá trước cửa nhằm trừ tà và giúp trông nom nhà cửa. Ngày 30 Tết, cúng ông Công, ông Táo lên trời và cả những ngày lễ trọng của gia đình như lễ cưới, lễ hỏi, cúng rằm con chó đá đều được quan tâm đặc biệt. Trong ngày Tết, chó đá được tắm bằng lá bưởi đun nóng, sau đó được gia chủ quàng trên cổ những vòng vải đỏ hoặc giấy hồng điều. Những ngày này, cho đá được cúng kẹo, cúng cơm. Khi chúc Tết, mọi người có thể có bao đỏ mừng tuổi cho chó đá để biết ơn nó đã giúp gia chủ và láng giềng một năm bình yên. Ngoài vấn đề tâm linh, nó còn là vật trang trí nhà cửa rất đẹp. Đá tạc chó là loại đá xanh lấy ở các hang sâu, tầng đất kín. Nhiều nhất là ở khe Phai Nghiều, bản Nà Khuất. Đá ở đây có rất nhiều màu, có màu ngả đỏ, có màu chuyển vàng nâu, màu đen…
Ngoài ra, ở Lạng Sơn nhiều nơi cũng có tục thờ chó đá như: Chi Lăng, Đồng Mỏ, Khòn Lèng, Thất Khê, Tràng Định, Đồng Đăng, Cao Lộc…
Trong tộc người Cơ Tu, cho đến gần đây chỉ có người Pa Cô (một nhóm địa phương Tà Oi) là còn giữ tục kiêng giết và ăn thịt chó như con vật tổ. Truyền thuyết của người Pa Cô kể lại rằng, bà tổ và ông tổ chó vẫn sống cùng nhau ở nơi đất liền với trời. Tại đó, bà dệt nên bầu trời như một cái chăn lớn, nhưng nếu bà dệt xong, trái đất lại bị một cơn hồng thuỷ khác huỷ diệt. Họ cũng tin rằng, đôi khi từ trên trời họ có thể nghe tiếng chó sủa.
Người Cơ Tu giờ chỉ còn một số dòng họ như Zrâm Acho (chó), Alang là còn kiêng ăn thịt chó. Con chó có một vị trí đặc biệt trong đời sống người Cơ Tu, giúp họ đi săn, giữ nhà và làm bạn. Trên những con đường mòn ở vùng Cơ Tu, thường hay bắt gặp cảnh người chồng đi trước, người vợ và con chó đi đằng sau, gợi nhớ đến hình ảnh người chồng đi trước và người vợ cưỡi ngựa theo sau đi xuống các phiên chợ vùng cao của người H’mông.
Trong các công trình dân tộc học của mình, Le Pichon cũng ghi nhận cách để tóc mái bằng trước trán mà người Pháp gọi là “theo kiểu chó” (à la chien) ở người Cơ Tu.
Theo Hickey, người Cơ Tu còn tin rằng thần chó đá có liên quan đến tục cúng máu của họ. Khi đi rừng, nếu ai nghe tiếng chó sủa thì phải tìm một hòn đá trắng có hình thù giống chó. Mọi người tin rằng hòn đá đó chính là hiện thân của thần chó đá rơi từ trên trời xuống. Người tìm thấy hoặc để lại hòn đá đó trong rừng hay mang nó về nhà sau khi cầu khấn rằng mình sẽ đi theo thần chó đá. Người đó sẽ được may mắn trong việc nương rẫy, đánh bắt. Quan hệ giữa người đó với thần chó đá sẽ truyền từ đời cha sang đời con cháu. Rồi một ngày, thần chó báo cho người mình bảo hộ rằng mình muốn uống máu người. Nếu không cúng máu người cho thần, người đó sẽ gặp bất hạnh.
Nhà Gươl của người Cơ Tu, tại chân cột có khắc hình mặt trời hướng ra cửa được coi là thần chó, có chức năng bảo vệ nhà gươl. Trên các bộ phận khác nhau của nhà Gươl, hình chó cũng được khắc với nhiều dạng: đôi chó giao cấu, đôi chó cắn vào đầu và đuôi một con trăn… Ở người Việt có phong tục đặt chó đá trước cổng nhà, đền miếu để đuổi ma quỷ.
Trên trống đồng Đông Sơn và một số đồ đồng khác, con chó được khắc ở nhiều tư thế và trạng thái khác nhau như: con đang đuổi theo con mồi (trên rìu Trung Màu, Việt Trì và một số rìu khác) hoặc cùng con người vượt qua muôn trùng sóng gió trên những con thuyền lớn (trên trống đồng Ngọc Lũ). Hình tượng loài chó được thể hiện một cách khá công phu qua các tượng và hoạ tiết, khắc hoạ một giống vật tinh khôn và gần gũi với loài người, được mô tả với nhiều dáng vẻ trong nhiều khung cảnh và trạng thái khác nhau: con thì mình tròn, thân ngắn, lông xù, đang theo dõi động tĩnh ở phía trước và có dáng dấp đang giữ nhà; con thì mình thon, mõm dài, cổ cao, nanh nhọn, dáng nhanh nhẹn, hai chân trước duỗi thẳng, chân sau co lại như đang lấy đà chuẩn bị lao vào địch thủ; con thì chân cao, mõm ngắn, đuôi cong, luôn luôn theo sát bên người trong những cuộc hành trình đầy mạo hiểm. Như vậy, con chó là con vật gần gũi, rất gắn bó với con người. Thậm chí, đến lúc chết người ta chôn theo cả tượng chó như muốn để cho chúng cùng người chết về thế giới bên kia.
Ở người Việt, hình thức chó đá giữ vai trò canh gác là khá phổ biến ở nông thôn. Ngay cả ở Hà Nội sau năm 1954, người ta còn thấy chó đá ở mé nam ngã tư Trung Hiền, do đó nơi đây được gọi là cửa ô Chó Đá. Đền Hai Bà Trưng (Hát Môn, Hà Tây) hiện còn đôi chó đá canh giữ đền thờ. Trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, phần Dư địa chí, khi ghi chép về trấn Thanh Hoa, có ghi rõ: ”Cửa Nghi môn ở điện Lam Kinh có hai con chó đá rất thiêng”.
Các nhà khoa học bước đầu phát hiện ở huyện Đan Phượng (Hà Tây) có hai nơi thờ phụng chó. Một bệ thờ chó đá ngoài vườn, trước cửa đình thôn Phù Trung, xã Thượng Mỗ. Một bệ thờ chó đá khác nằm cạnh quần thể di tích chùa Phúc Khánh và đình làng Địch Vĩ, xã Phương Đình. GS Kiều Thu Hoạch lại phát hiện thêm ở thôn Yên Thị, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) cũng thờ chó đá. Trẻ con và người già ở đây đều gọi chó đá là Cụ Thạch.
Gần đây, ở Hà Nội lại rộ lên cuộc tranh cãi về đền thờ Cẩu Nhi trên hồ Trúc Bạch khi Uy ban nhân dân quận Ba Đình dự định tôn tạo ngôi đền này với kinh phí 3 tỷ đồng. Cuộc tranh luận ban đầu xoay quanh tính xác thực của sách Tây Hồ chí ghi chép sự tích đền thờ Chó gắn với việc định đô và xây dựng kinh thành Thăng Long của vua Lý Thái Tổ. Về sau, ý kiến tranh luận đã mở rộng đến việc xem xét người Việt có tục thờ chó hay không, lôi cuốn các nhà nghiên cứu Hán Nôm, lịch sử, dân tộc học, văn hoá dân gian vào cuộc. Hội thảo đã mở ra, ý kiến phản đối và đồng thuận cũng ngang nhau. Nhưng cuối cùng thì ngôi đền vẫn được tiến hành tôn tạo dù có nhiều ý kiến trái ngược. Xem ra, chung quanh tục thờ chó rất cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc để có được những hiểu biết đầy đủ hơn về loại hình tín ngưỡng này nhằm có thái độ ứng xử phù hợp với những di sản truyền thống của cha ông.
Nguyễn Thanh Lợi
http://www.hcmufa.edu.vn/vn/Tap-Chi/Thong-Tin/SWVFLO092729/YGMLMR052233/