• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Chuyện của một ông vua chó mèo.

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
(VietNamNet) - Cách đây 30 năm, "tàng trữ" vật nuôi trong nhà là việc làm bất hợp pháp. Thế là cứ nghe tin có "quan" đến lùng chó, người ta lại hò nhau ôm chó trốn vào tủ hay nhảy xuống ao để nhờ... bèo che chở hộ.


Những câu chuyện dở khóc dở cười

Ông Nguyễn Bảo Sinh - "vua chó mèo"

Nhắc đến "đại ca" về chó mèo ở Hà Nội, những người mê các loài vật nuôi thân thiết với con người này đều biết đến ông Bảo Sinh. Nhiều người thường xuyên đến "nhờ vả" ông Sinh chăm chút cho đám chó mèo của mình và thường gọi ông là "Vua chó mèo" của Hà Nội và miền Bắc. Ông Bảo Sinh bắt đầu "kết bạn" với những chú chó đáng yêu khi lên năm - một cái mốc không thể quên, đơn giản vì ông đã bị người bạn mới "đớp" hai cái, bây giờ vẫn còn để lại sẹo trên mặt. Hồi đó, cậu bé Sinh nhiệt tình chui vào gậm giường cho ăn, nhưng để đáp lại, con chó mới sinh hung dữ đã tấn công người đối diện để bảo vệ con.

Ông Sinh coi việc mình gắn bó với chó mèo là do... trời định. Từ việc nuôi chó mèo, sau năm 1975, ông Sinh còn biến sở thích của mình thành nghề kiếm cơm. Nhưng cách đây gần 30 năm, việc làm này lại bị cấm đoán. Giống như mọi nghề, nuôi chó mèo cũng đòi hỏi lắm công phu, nhất là khi ông Sinh lại coi đó là một thú chơi không thể thiếu. Vương quốc của ông Sinh là một trong những trại chuyên về vật nuôi bền và có lãi nhất. Và trên phạm vi cả nước, chỉ có một-hai người (chẳng hạn như ông Lập) có tiếng tăm sánh ngang với ông Sinh và được coi là ông "trùm" trong nghề này.

Bây giờ có một con chó hay con mèo trong nhà chẳng có gì là lạ nhưng cách đây chừng một phần tư thế kỷ, đó là việc làm vi phạm pháp luật vì hoàn cảnh đất nước còn khó khăn sau chiến tranh nên việc nuôi vật nuôi được coi là lãng phí. Rất nhiều người đã gặp không ít chuỵện dở khóc dở cười và ông Sinh cũng không phải là ngoại lệ. Thời kỳ đó, khu đất của gia đình ông Sinh "chẳng may" nằm ở vùng giáp ranh khu Hai Bà Trưng và Thanh Trì nên lúc nào có đoàn cán bộ đi "lùng chó" ở khu này thì ông Sinh lại "ôm chó" nhảy ùm xuống hồ, ôm sang địa phận bên kia để dễ bề chối bay chối biến. Nhờ có những chiêu "giấu chó" như vậy, ông đã nhiều lần "thoát nạn".


Suýt vào tù chỉ vì... yêu chó

Những khi có dân phòng đi đập chó của những hộ dân vi phạm lệnh cấm nuôi chó, cả khu lại "nhao lên" chạy. Nhanh chân thì cứu được cả chủ lẫn tớ, chậm thì chỉ còn ngồi nhìn con vật nuôi yêu quý của mình nhừ đòn. Ông Sinh nhớ lại: "Nửa cuối những năm 1970, khi dắt một con chó béc-giê qua các khu ven ô, lũ trẻ còn không biết đó là con vật gì vì chúng hiếm khi được nhìn thấy chó. Khi có dân phòng đi lùng chó nuôi chui, có ông ôm chó bơi qua sông, ông khác ngồi trên sân thượng giữa trưa hè, ông lại ôm chó chui vào tủ nhưng chẳng may con chó hoảng sợ sủa ầm lên. Thế là lộ! Đầu những năm 1980, mỗi nhà chỉ được nuôi một con chó, mà muốn sở hữu nó phải chụp ảnh, làm đơn lên Sở Công an Hà Nội ở 86 Nguyễn Du, được ký giấy đồng ý mới được mua. Vậy là tôi đành dùng cách lợi dụng địa thế... vùng giáp ranh, nuôi hai con ở hai hộ khác nhau".

Nhiều phen ông Sinh suýt... vào tù. Rất may, người lãnh trách nhiệm đi "diệt" chó của khu phố ông Sinh sống lại thường cho người đi báo cho người dân giấu chó đi. Ông Sinh thường chọn cách ôm chó nhảy xuống ao rau muống của nhà nhưng khi thoát nạn lên bờ thì đỉa bám đầy người. Có một kỷ niệm mà đến tận bây giờ, khi nhớ lại, ông Sinh vẫn còn nguyên nỗi sợ hãi chỉ vì đưa chó đi trốn mà suýt bỏ mạng. "Khi bơi qua ao bèo, thường thì tôi bơi trước, con chó béc-giê Ami sẽ bơi theo. Nhưng lần đó, khi bơi gần đến bờ, không hiểu sao nó vít chặt lấy cổ tôi khiến tôi suýt chết đuối...".

Cứ lúc nào nghe tin sắp có người đến lùa chó, đặc biệt là thông tin từ những người mình đã "cài" làm "nội gián", ông Sinh lại vắt chân lên cổ đưa chó đi... trốn. Tình trạng ấy kéo dài suốt chục năm trời. Năm 1984, lệnh này được bãi bỏ, đây được coi là một tin... gây chấn động "ngang với chiến tranh Vùng Vịnh". Sự hy sinh của ông Sinh vì Ami, con chó đã khiến ông nổi tiếng đã không uổng phí. Một tháng, Ami mang về cho ông một cây vàng, số tiền không nhỏ vào những năm 1980. Ông Sinh đương nhiên trở thành người có doanh thu cao nhất trong giới hành nghề nuôi chó. Nhắc đến Ami của ông Sinh, không ai là không biết. Biết ông Sinh có lòng với loài vật trung thành này nên cũng không ai có dũng cảm đề nghị ông Sinh bán lại con Ami.

Từ khách sạn đến "vương quốc" của riêng chó mèo

Ông Sinh và "vương quốc" của mình
Cách đây vài năm, ông Sinh đã lập nên cái khách sạn độc nhất Việt Nam dành riêng cho chó mèo, khách sạn mà người ta chẳng biết liệt vào hạng nào để thu thuế. Nhưng giờ đây, cái khách sạn bé nhỏ hồi trước đã được mở rộng quy mô và hiện đại chẳng khác nào một khu biệt thự. Khu đất rộng 1ha nằm giữa một ngõ nhỏ trên phố Trương Định, khu đất của gia đình ông Sinh, đã biến thành một "Vương quốc" - cái tên ông Sinh mới đặt vài tháng nay. Ngoài một cửa hàng bách hoá tổng hợp với tất tật mọi thứ dành cho chó từ cổ dề, nơ, bát ăn bằng inox, rọ mõm, xích, chuông, nước tắm đến bàn đẻ... và cả một khu thời trang cho chó mèo.

Ông Sinh đã tổ chức một cuộc thi thời trang chó mèo và được CNN, BBC, VTV3 đưa tin khá rầm rộ vào dịp Tết nguyên đán Giáp Thân. Hồi tháng 1/2004, các loại chó mèo nhiều “quốc tịch” đã tham dự một cuộc thi hoa hậu có một không hai tại "khách sạn" của ông Sinh. Các “thí sinh” cũng đủ dự thi ba vòng: hình thức (có hình dạng và thời trang), ứng xử (hiểu ý chủ và nghe theo hiệu lệnh) và thi tài năng (biểu diễn theo năng lực).

Ông Sinh còn đầu tư mở một đường đi dạo cho chó, một hồ nước đầy cá vàng và hoa súng cho chó bơi thư giãn, một đài hoá thân và khu nghĩa trang cho chó mèo với những chiếc bia mộ "xịn" bé xíu xếp san sát. Những cái tên như: Lucky, Mi Lu, Jimmy... được khắc cẩn thận trên bia đá có cả năm sinh năm mất. Ngoài hai khu với hàng chục khoang nhỏ dành cho các chú chó "tầm tầm", có đến gần chục cái được ông Sinh phân loại là "phòng VIP" dành cho những con có giá đuợc chủ nhân yêu cầu một dịch vụ dặc biệt.

Ông Sinh cũng mời cả một đội bác sĩ thú y để chăm sóc và tư vấn sức khoẻ cho những con "ngọc thể bất an". Mỗi tháng, khách sạn của ông Sinh nhận được hàng chục "hợp đồng" yêu cầu thuê phòng và chăm sóc chó mèo các loại. Chủ nhân của chúng là người Việt hoặc người nước ngoài có việc phải đi xa, chỉ yên tâm khi gửi chúng cho bàn tay chăm sóc của ông Sinh. Đặc biệt là những dịp Tết và nghỉ hè, "khách trọ" rất đông. Có con chó của khách nước ngoài chỉ "có giá" vài trăm ngàn nhưng chủ nhân chấp nhận trả hai triệu đồng cho ông Sinh chăm chút cho nó. Ông Sinh hiện có gần 100 con chó, trong đó có con béc-giê trị giá đến 100 triệu đồng. Đây là con chó cưng của ông Sinh, năm nay đã 12 tuổi và thường được ông âu yếm gọi bằng cái tên: Bờm.

Sau nhiều gian nan vất vả, giờ đây việc kinh doanh của ông Sinh đang xuôi chèo mát mái. Điều làm ông Sinh lo lắng nhất là không có "người kế nghiệp" vì con ông không mấy mặn mà với công việc này, còn vợ ông lại bị dị ứng với những vật nuôi.

Những hình ảnh về "vương quốc" chó mèo của ông Bảo Sinh






Ông Bảo Sinh với Vietpet:








 
Top