Dưới đây là trích một đoạn ca ngợi Vện
Cách đây ít năm ở Kinh Bắc, một người hành khất sống với một con chó trong một căn lều biệt lập giữa cánh đồng làng Vệ Hảo. Một thời gian khá lâu, người ta không thấy người hành khất già và con chó lang thang trên đường. Có kẻ tò mò đến lều, thì thấy ông lão đã chết vài ngày trước. Dưới chân ông, một con chó mới chết không lâu. Thì ra ông lão bị bệnh không đi hành khất, con chó trung thành đi ăn trộm mang về cho chủ, nào bánh đa, nào bánh giò, nào trái cây đủ thứ. Những thứ này như xếp gọn dưới chân ông lão. Hương lão điều tra kết luận rằng. Ông lão chết vì già nua, con chó không biết chủ chết, đi ăn trộm đồ ăn về cho chủ, nó hiểu, rồi nó cũng không ăn, chết theo chủ. Dân làng an táng cho con chú cùng với ông lão. Trên mộ chí khắc chuyện trung thành của con chó ấy.
Bà cả Chèm, ở phường Hồng Mai Kẻ Chợ, sống một mình với một con chó cái. Bà rất nghèo, có hai con trai bị bắt lính thú, gần hai mươi năm rồi không tin tức. Bà già mòn mắt trông đợi hai con, đơn khiếu nại mang vào cửa quyền không bao giờ tới tay chức trách chỉ vì không có tiền đút lót thơ lại. Sau cùng một tên đội lại phủ chúa, không biết cơ quan nào hứa giúp, nếu bà thu xếp một số tiền, không rõ bao nhiêu, nhưng chỉ là bà Cả Chèm phải bán con chó cái vừa đẻ năm con rất đẹp, bán cả bầy cho một người lái buôn miền ngược.
Bà chỉ có con chó cái ấy là bạn sinh sống dưới mái nhà nghèo nàn. Nhận tiền của lái buôn xong, bà vỗ về âu yếm con chó: « vện ơi, Vện ở với tao, bao năm tình nghĩa mà nay tao phải bán đi, thực đau lòng. Nhưng Vện ơi, mang con đi ở với chủ mới nhé. Ông bà ấy sẽ quí mến Vện, còn ở với tao, chỉ ngày ngày thêm nghèo khổ mà thôi ». Bà chùi nước mắt.
Vện không sủa, không một dáng điệu phản đối, lẳng lặng theo ông lái buôn. Ông này là người thích nuôi chó. Ông bê cả ổ rơm năm con chó, đặt ở góc xe thổ mộ của ông. Vện thì đi theo dưới đất. Dây thừng buộc Vện khá dài, nên Vện không khó khăn chạy theo. Vả lại thỉnh thoảng, ông lái cho Vện lên xe cùng với bầy con, ăn uống no đủ. Ông lái buôn không thấy Vện tỏ vẻ buồn rầu. Ông mắng Vện:
- Vện ơi ! sao Vện chóng quên bà Cả Chèm ? Bà không cho Vện ăn uống bằng tao hay sao ? »
Vện cho con bú, không một thái độ cải chính.
Gần hai tháng mới về đến nhà, ở bản Lai Mỹ, giáp giới Trung Hoa. Đàn con của Vện đã mở mắt mấy tuần. Ông chủ lái buôn rất chiều chuộng, bà chủ cũng thế, kể cả hai đứa con nhỏ, chơi đùa với Vện cả ngày.
Vện ở đây thực sung sướng, nhà cửa rộng rãi không như ở Kẻ Chợ. Chuồng Vện và bầy con ở ngoài nhà nhưng ở nơi khô ráo, có chấn song chống đỡ dã thú. Đêm đến, ông bà chủ cho Vện và đàn con lên nhà sàn. Họ biết Vện, chó tỉnh thành, không quen tự mình chống chọi dã thú.
Đàn chó con không mấy lúc đã lớn khôn. Một năm tuổi chó ở rừng núi, đủ cho đàn chó con học hỏi nhiều. Ông chủ dạy đàn chó con đủ mọi việc, trông nhà, canh gác đàn vịt, đàn gà, và việc đi tìm một thứ nấm thơm đặc biệt ở vùng này. Khứu giác của chó giúp ông tìm ra nơi có nấm thực nhanh chóng. Lại dạy đàn chó phân biệt nấm độc và nấm ăn. Chó kiếm nơi có nấm thì sủa lên gọi chủ, không bao giờ cắn vào nấm.
Tú Thái nói tới đây, Đỗ quái kiệt đứng lên:
- Tôi xin lỗi ngắt lời Trần công tử, tôi cần phải nhắc lại chuyện bản chúng ta mà quý vị còn nhớ. Đồng ý với Trần công tử, chó có khứu giác đặc biệt, có thể đánh hơi ngửi thấy những hương thơm hay mùi hôi bay ra từ cách xa nhiều dặm !
Tôi biết quý vị chưa quên. Hai con nít nhà họ Lý đi chơi quá chân lạc trong rừng sâu, chúng ta kiếm tìm hai ngày không thấy. Sau cùng, kiếm ra mấy ngày sau, nhờ hai con chó săn của La đại bá. Cho chó ngửi quần áo của hai đứa trẻ. Hai chó ngửi hít rồi vùng chạy vào rừng. Chúng ta theo chó tới nơi hai đứa trẻ. Hai đứa ôm nhau, mê mệt cạnh gốc cây. Bên cạnh hai trẻ, con Vành, chó của hai đứa trẻ, nằm duỗi chân ra đằng trước, đầu đặt trên hai chân, thế canh phòng, rình mò. Khi chúng ta đến nơi, con Vành bị thương khắp mình mẩy, chỉ còn sức vẫy đuôi mùng rỡ.
Cứu được hai trẻ là nhờ hai chó dẫn đường. Hai trẻ còn sống sót là nhờ chó Vành. Vành đã bảo vệ hai trẻ, đánh nhau với một con thú mà sau này theo lời kể lại của hai trẻ, chúng ta biết là một con ngải cứu, thú vật hay ăn mồi chết, nhưng sẵn sàng tấn công những mồi sống nào yếu đuối.
Bản trưởng phụ họa:
- Không phải vì chuyện này đâu. Từ xưa dân bản này và các bản lân cận không ai ăn thịt chó. Chó vui chơi sung sướng. Chúng tôi không đánh đập dù bọn chó đã a dua với voi !-
Mọi người tỏ vẻ nóng ruột chờ nghe nốt chuyện con Vện bà Chèm. Tú Thái uống một chén trà, tiếp tục:
- Thế rồi, một buổi sáng, chỉ còn lại năm con chó, Vện mẹ không bóng dáng. Ông bà và mấy đứa con chờ bao ngày cũng không thấy. Sau cùng ông bà kết luận: chó tỉnh thành không quen đường rừng núi đã bị dã thú ăn thịt. Thương tiếc rồi cũng quên đi. Tính ra Vện ở với ông bà hơn một năm.
Cho tới một ngày kia ông lái buôn, vì công việc, trở lại nhà bà Chèm. Con Vện ở nhà sau chạy ra vẫy đuôi mừng rỡ. Nó cứ chạy quanh chân ông lái buôn. Ông lái buôn yên trí bà Chèm nuôi con chó khác, nhưng nhìn kỹ lại, thấy cái sẹo ở bắp đùi chân trái. Ông giật mình: chính là Vện mẹ ! « Chính là Vện mẹ - ông tự bảo – tuy nó không được béo tốt như hồi ở thượng du.-
Gặng hỏi, sau cùng bà Chèm nói:
- Thưa ông, chính là con Vện mẹ tôi đã bán cho ông năm kia. Đã bán cho ông, nay nó lại trở về. Không phải tôi dạy nó như thế. Tôi chưa dám nói thật, e ông nghi tôi lừa lọc.-
Cách đây mấy tháng, tiễn ông Táo được mấy ngày, khoảng 27 hay 28 tháng chạp, tôi đóng cửa sang bên hàng xóm canh chừng nồi bánh chưng. Sáng tinh sương về, dụi mắt, nhìn thấy một con chó nằm ngang cửa. Thấy tôi, con chó chồm lên vẫy đuôi sủa mừng, nhưng sủa và vẩy đuôi yếu ớt. Giống như con Vện – tôi nghĩ thầm- nhưng không tin là nó. Tôi rất thương loài chó. Cho là chó đói ăn xin. Tôi mở cửa, châm đèn, lục bếp xem còn đồ ăn mang cho nó, thì nó đã theo vào nằm bệt. Cầm đèn soi: thì ra con Vện. Vết sẹo bỏng ở đùi, tôi rất nhờ. Vội vàng châm bếp sưởi, kéo Vện vào gần lửa. Xem ra Vện chẳng còn sức lực. Bốn bàn chân sưng vù…mấy vết cắn ở đầu, ở lưng. Tôi thuốc thang tẩm bổ cho nó, nay đã hoàn hồn. Đã bán cho ông, tôi không có tiền chuộc lại, vậy xin ông mang nó đi. Tôi không phản đối, nó là của ông, ông cứ việc mang đi ngay !-
Bà Chèm nói với âm thanh vô cùng thất vọng. Thất vọng, buồn rầu.
Từ nãy, ông lái buôn không nói gì. Ông ta cố giấu giọt lệ trên má. Ông ngồi xuống, vuốt ve Vện:
- Vện ơi, tao xin lỗi ! tao xin lỗi ! Xin lỗi đã mắng mày hôm ra đi, tưởng mày vô tình với bà Chèm. Tao không hiểu mày. Thì ra Vện ơi, mày đã đi theo tao để chăm nuôi đàn con. Con mày khôn lớn, mày trốn về với chủ cũ. Mày đã đi mấy trăm dặm đường hiểm nguy, mày làm thế nào kiếm lại được nhà xưa chủ cũ ? Thực tao có lỗi với mày quá, mày còn tinh khôn, trung thành gấp mấy loài người. Tao sẽ thương yêu đàn con mày. Tao đặt tên chúng nó là Ngũ Phúc, Nhất Phúc, Nhị Phúc…con Ngũ Phúc, tao sẽ đổi tên, từ nay sẽ gọi nó là Vện Phúc, để nhớ đến mày…
Ông lái buôn còn nói nhiều nữa. Không biết Vện có hiểu không ? Chỉ biết Vện sung sướng được ông lái buôn vuốt ve. Hồi lâu ông nói:
- Bà Chèm ơi ! Bà đừng tưởng tôi vô tình ác nghiệt. Tôi thương con Vện này lắm, tôi và bà phải chiều ý nó. Nó muốn ở với bà, tôi đâu đang tâm mang nó đi…mà không có giây phút nào tôi nghĩ đến đòi tiền. Bà thấy không ? Con vật tinh khôn hơn chúng ta. Đúng thế, vật tinh khôn hơn người. Tôi nói tinh khôn hơn vì vật không nghĩ xấu, làm xấu. Người mang tiếng tinh khôn tột bực, nhưng tinh khôn…để nghĩ xấu, làm xấu…Người đang sửa soạn chiến tranh đấy, sửa soạn đi chép giết lẫn nhau đấy, thế gọi tinh khôn sao được ? Không không, tôi không đòi lại tiền bà. Tôi để thêm một trăm quan tiền, bà chi dùng cho bà và cho Vện, hàng năm tôi sẽ đến thăm bà và Vện…Vện của tôi và bà !
Bà Chèm ngạc nhiên, luống cuống cám ơn. Ông lái buôn sửa soạn cáo từ thì bỗng nhiên đầu phổ tiếng khàn khàn quen thuộc của tên lái chó, mua cho mấy hàng thịt chó ở Kẻ Chợ « Chó ! Chó ! có ai bán chó không ? » - Tiếp theo tiếng chó sủa vang, khắp phố…
Nhắc lại Trần Nguyên Thái, trong hội tiệc bản Thạch Đào kể chuyện con Vện của bà Chèm đi hơn trăm dặm (khoảng 500 cây số) từ thượng du xuống đồng bằng, về nhà chủ cũ.
Tú Thái không thể giải thích tại sao Vện lại kiếm được đường đi ? Linh khiếu đặc biệt ? Thính giác và khứu giác của nó ? Có thể nó đi theo vết của lái buôn từ Ngược đi Xuôi ? Có thể nó đi theo bờ sông ? dần dần theo mùi thị thành tìm ra Kẻ Chợ thì đến nhà chủ cũ không mấy khó khăn ?
Mọi người, sự thực không ai quan tâm đến « tại sao ». Họ còn mủi lòng vì lòng trung thành của Vện. La lão trượng tần ngần suy nghĩ, còn lão bà chùi nước mắt lan tràn.
Chúng ta nhường lời Tú Thái:
- Ông lái sửa soạn cáo từ, thì đột nhiên, dội lên tiếng khàn khàn:
- Chó ! Chó ! Ai bán chó !-
Tiếng khàn khàn quen thuộc của gã buôn chó bán cho mấy hàng thịt « cầy » Kẻ Chợ. Không đầy một giây, chó sủa vang từ đầu đến cuối phố. Ai có óc quan sát chắc phân tách những tiếng sủa tức giận, những tiếng sủa ai oán không phải tiếng sủa canh chừng nhà cửa.
Ông lái buôn:
- Bà Chèm ơi ! Tôi gọi thằng buôn chó nhé !-
Bà Chèm:
- Nếu ông khinh tôi, xin ông mang trăm quan tiền đi. Tôi không để ai bắt Vện làm thịt. Trước đây bán nó cho ông vì biết ông sẽ thương mến nó. Ông coi nó nuôi con thực sạch sẽ (Đúng vậy, ổ chó Vện sạch li lau. Không hiểu nó làm thế nào. Tổ chức khéo léo, rình mò có thể biết, nhưng thời ấy, và ngay thời nay, ở nước ta, có ai để ý đến cách sinh sống của thú vật ?)
Ông lái buôn:
- Đùa bà thôi. Xin hẹn sang năm về đây thăm bà và Vện của chúng ta.
Ông ra cửa. Bà Chèm tiễn. Vện quấn quít bên chân ông. Nó theo ông mấy bước, chợt nhìn thấy anh buôn chó, nó cúp đuôi chạy về nhà.