Con chó mực đang bắt con càng tôm. Ảnh: Đ.Đ
Ai cũng háo hức vì được ông Bảy Phước, người cậu của Thuận, mau mắn đồng ý giúp đoàn làm phim “tái hiện” lại cảnh đi săn bằng chó. Một điều kiện được ông đặt ra là đoàn phải đến hạt kiểm lâm Cửa Dương gần đấy để “nói qua một tiếng” với các anh kiểm lâm để các anh cho phép đoàn được dẫn chó vào rừng. Thế nhưng, khi nghe nói đến tên Bảy Phước, ông hạt trưởng kiểm lâm lắc đầu: “Thật đúng đối tượng thuộc sổ bìa đen săn thú phá rừng” và từ chối thẳng thừng yêu cầu của đoàn.
Nhà của Bảy Phước có đàn chó săn ba con, hai con đen và một con vện. Nghe nói về chuyện “đối tượng”, ông cười, khoe cả hàm răng sún mất mấy cái răng cửa: “Chuyện đối tượng là lâu rồi, trước năm 2000 kìa. Giờ kiểm lâm cấm ngặt, không còn săn nữa”. Thấy vẻ thất vọng của chúng tôi, ông Bảy cám cảnh mặc áo vào và dẫn đàn chó vào vạt rừng của gia đình bên cạnh con suối Cái. Ông bảo: “Đi là đi cho có vậy thôi, chứ chắc là không còn con gì đâu mà săn”.
Chừng như lâu ngày không được săn, đàn chó háo hức nhảy cỡn lên khi thấy ông Bảy mặc áo và xách theo con dao đi rừng. Vện là con chó đực, tướng oai phong vằn vện như một chú cọp con. Con Mực là chó cái, xoáy lưng không hoàn chỉnh nhưng lông đen mượt, dáng thon, đẹp như một chú báo đen. Chúng cứ hết chạy trước rồi luồn sau, băng qua các bụi rậm, luôn đánh hơi tìm mồi. Đi được khoảng nửa vạt rừng, đột nhiên con Vện lao vào một bụi cây chà là đầy gai ở men con suối. “Có một con càng cuốc con rồi”, ông Bảy thì thầm. Tiếp sức cho con Vện, con Mực cũng phóng xuống nước lao theo con mồi. Thế nhưng quần thảo cả năm phút đồng hồ, cả hai con chó đều không tìm thấy dấu tích con càng cuốc vì nó đã nhanh nhẹn phóng lặn xuống suối…
Lũ chó của ông Bảy lội giỏi như rái. Chân chúng không có màng như vịt theo lời đồn, nhưng cũng có màng da phủ đến gần nửa ngón chân. Khi đến gần đám rừng tràm bông vàng, cả hai con chó cùng đâm xổ vào một thân cây tràm, nơi một con càng cuốc vội vã từ dưới đất phóng vội lên cây…
Con trai ông Bảy và chiến lợi phẩm từ chó Phú Quốc. Ảnh: Đ.Đ
Càng cuốc là tên gọi của một loài bò sát trông hệt như loài kỳ đà, nhưng nhỏ hơn kỳ đà, con lớn nhất chỉ khoảng 4 – 5 ký. Con càng cuốc mà hai con chó săn đuổi bắt còn nhỏ, chỉ khoảng một ký lô. Sự nhanh nhẹn của nó không qua được con Mực vì chỉ thoắt một cái, con Mực đã phóng chồm lên cây và ngoạm ngay vào cổ của con càng cuốc, đồng thời quật qua quật lại liên hồi nên chỉ trong nháy mắt con mồi săn tội nghiệp đã chết, lưỡi thè ra cả bên ngoài.
Con Mực là con của con chó Xoáy, một con chó săn cực giỏi của ông Bảy. Khi chúng tôi đến nhà ông, con Xoáy chỉ mới chết cách đó ít ngày vì già yếu.
“Tiếng tăm” của ông Bảy có được là từ con chó Xoáy này. Hồi trước, một bà làm vườn đã cho ông Bảy con chó Xoáy, chỉ vì một điều là nó thường xuyên… ăn cắp tiền, ăn cắp khô tha về cho bà. Bà sợ bà con chòm xóm hiểu lầm, nên đem cho ông Bảy. Khi về với ông Bảy, chẳng cần huấn luyện gì, trong những chuyến đi rừng bứt mây của ông, con Xoáy dễ dàng săn được nhiều con mồi cho ông. Các loài bò sát như kỳ đà, càng tôm, càng cuốc, mỗi ngày nó săn đến 4 – 5 con. Dù chỉ cỡ 15 – 16 ký, thế nhưng heo rừng cỡ 20 – 30 ký thỉnh thoảng nó cũng săn được bằng cách đuổi theo và cắn chặt cổ họng, có khi đến cả tiếng đồng hồ mới hạ được con mồi.
Con Xoáy ngẫu nhiên trở thành một trụ cột đóng góp chủ yếu cho kinh tế gia đình ông. Các đứa con ông ăn học đều nhờ tài săn thú của con chó Phú Quốc này. Những người dân cố cựu Phú Quốc hầu như người nào cũng có một đàn chó săn. Ở Suối Cát 3 – 4 năm trước, ông thợ săn tên Thái có một con chó săn tên Đốm săn cực kỳ giỏi. Con chó khôn ngoan này đã từng lập kỷ lục khi săn được một con kỳ đà nặng đến 12 ký lô. Hai ngày sau khi săn được con kỳ đà, con Đốm đã làm chuyện ghê gớm hơn khi dồn được một con nai nặng đến 80 ký vào một góc núi để ông Thái dùng chĩa đâm chết, xả được đến cả ba gánh thịt.
Chó Phú Quốc không chỉ săn mồi mà còn giúp những người chủ thoát khỏi các loài thú dữ. Thợ săn Phú Quốc ngày trước sợ nhất là gặp rắn hổ mây, vì chúng rất to lớn, có con thân to bằng cây dừa, nặng đến 30 – 40 ký! Trong bữa nhậu, ông Út Thuận, trưởng ấp Suối Cát xã Cửa Dương, kể: có một ông đi núi Khu Tượng, bị một con rắn hổ mây to lớn rượt đuổi. Bình thường chó Phú Quốc nghe hơi rắn hổ mây là cụp đuôi bỏ chạy, nhưng khi thấy chủ mình bị rượt đuổi, ba con chó của ông đã nhảy xổ vào chiến đấu với con rắn để ông chạy thoát. Hai trong số ba con chó đó đã chết, và kể từ đó ông này thề là không ăn thịt chó nữa…
Binh Nguyên - Đoàn Đạt
Báo Sài Gòn Tiếp Thị
Báo Sài Gòn Tiếp Thị