• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Chó: Một thời để nhớ !

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
Chó: Một thời để nhớ !

Tác giả :NGUYỄN BẢO SINH

Đây là một "Hồi ký sống động về nuôi chó và các quan niệm xưa", từ thời Pháp thuộc đến sau hòa bình lập lại ở Miền Bắc. Tôi xin trích đăng để anh em ta biết thêm những điều bất ngờ và lý thú về thân phận các chú khuyển cũng "lên voi rồi xuống...chó! Rồi lại được lên...Voi ! có nụ cười nhưng cũng tràn đầy nước mắt" Vì khá dài nên xin được trích đăng dần để phục vụ anh em.

"Đêm qua anh đi chơi về,
Hương tình men rượu bay đi ít nhiều.
Vợ con chẳng nói một điều,
Chỉ con chó Mực vẫy liều cái đuôi."

Ngày xưa ta nuôi chó mục đích chỉ để trông nhà, làm thịt và dọn phân cho trẻ con. Chó rất ít khi được ăn cơm chứ đừng nói đến ăn thịt, cá như bây giờ. Chó được ăn no cơm đã là một bữa tiệc lớn !

Thời Pháp thuộc, cấm chó chạy rông ra ngoài đường, ai vi phạm sẽ bị phạt :

"Hà Nam danh giá nhất Ông Cò,
Trông thấy ai ai chẳng dám ho.
Hai mái trống tung đành chịu dột,
Tám giờ chuông đánh phải nằm co.
Người quên mất thẻ âu trời cãi,
Chó chạy ra đường có chủ lo.
Vớ vẩn đi "xia" may vớ được,
Phen này chắc hẳn kiếm ăn to."

Trong chuyện của Vũ Trọng Phụng, hai cảnh sát "Min-oong", "Min-đơ" đi suốt Hà nội cũng chỉ phạt được mấy chủ thả chó chạy ra đường.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, người nuôi chó Bẹc-giê đầu tiên ở Hà-nội là ông Đỉnh làm nghề khoán, giàu lắm, nhà ở phố Hàng Chiếu. Ông nuôi chó tại nhà đầu phố Thanh Hà, sát cổng Ô Quan Chưởng. Thời đó ông Đỉnh cho chó phối giống thì cả phố đến xem đông nghịt. Mốt nuôi chó Bẹc giê thuở ấy là biểu hiện của gia đình quí tộc, giàu sang. Mua chó bẹc-giê phải đặt hàng trước từ bên Pháp. Khách mua gửi cho chủ bán một chiếc khăn mùi-xoa đã dùng quen. Sau đó chủ chó xuống Hải phòng đón chó tại sân bay Cat-bi. Chó đánh hơi chiếc khăn mùi-xoa rồi chạy tới đám đông tìm đúng chủ mua, ngồi ngay dưới chân. Thế là xong hợp đồng mua bán. Thời đó nuôi chó Bẹc-giê bằng thịt bò sống tốn kém lắm. Chủ chó cũng "oách" ra phết :

"Tường Ông trồng toàn những chai,
Vườn Ông thả đầy những chó! "
Hòa bình lập lại, do ta chưa có vaccine phòng bệnh Dại cho chó và nhiều người bị chó Dại cắn chết, đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy Ban Quân quản Hà nội ra lệnh "triệt để cấm nuôi chó". Ai nuôi chó coi như phạm pháp. Thường xuyên có đoàn kiểm tra vác gậy gộc theo công an đi vào từng gia đình đập chết chó hoặc bắt chủ chó lên Đồn Công an. Đoàn kiểm tra bao giờ cũng có công an, mấy đồng chí Dân phòng và Tổ trưởng Dân phố cùng đi. Tổ trưởng Dân phố và Dân phòng vừa phải miễn cưỡng chấp hành lệnh cấp trên,vừa phải lấy lòng dân, nên một mặt đi báo trước cho dân để "chạy" chó, vừa phải"mặt mũi nghiêm trang" theo công an đi đập chó hoặc bắt chủ.

Cái cảnh mang chó đi chạy công an thật khóc dở, mếu dở. Nhiều khi phải mang chó đi sơ tán sang phường khác, hoặc ôm chó trốn trên gác thượng, hoặc dấu chó vào trong tủ. Song công an cũng dày dạn kinh nghiệm, họ mang cái phèng đi gõ, lập tức chó sủa ầm ĩ lên nên lộ tẩy. Chó bị lôi ra đập chết, người lớn đau thương, trẻ em khóc ầm lên như nhà có người chết. Nếu nhà có ao chuôm thì chó bơi xuống ao phủ bèo tây lên đầu như du kích trốn Tây đi càn các năm trước.

Khoảng năm 1970, trên Tổng Sơn Tây có tay bán phở mắc hai tội liền một lúc : nuôi chó Bẹc giê và dùng chó Bẹc giê đi ăn trộm gà, đã bị Tòa án Nhân dân Tỉnh xử tại chỗ để cảnh cáo răn đe, tay bán phở này bị lãnh án hai năm tù. Anh ta đã lập kỉ lục Ghi-nét là người đầu tiên bị tù vì nuôi chó ở Việt nam.

Việt nam thời đó chỉ có hai cơ sở được quyền nuôi chó nghiệp vụ là Bộ Quốc Phòng và Bộ Nội Vụ. Một vài hộ dân được cấp giấy nuôi chó cho Bộ Nội Vụ. Người làm giả giấy phép nuôi chó của Bộ Nội Vụ đem bán cho dân "nghiền nuôi" là ông Vi, hỗn danh là Lã Bất Vi, nhà ở Hồ Ba Mẫu cạnh đường tàu hỏa ( đối diện Công viên Lê-nin bây giờ ).

Trại nuôi chó của Sở Công An Hà-nội do đại úy Bổng chỉ huy. Trại chó nghiệp vụ này nằm ở cuối đường Hoàng Hoa Thám, đối diện Chợ Bưởi, ( phải chăng cũng từ đó đến giờ, dọc Phố này có nhiều cửa hàng bày bán chó, mèo ! ). Song vì không có kinh phí, và chó nghiệp vụ hoạt động không có hiệu quả lắm nên Trại Chó cũng tiêu điều. Sau này Trại giải đã tán. Đại úy Bổng nghe đâu đã chuyển sang 113.

Trại Chó Nghiệp Vụ của Bộ Công An trước gọi là C500 đóng ở Hà Đông, sau đó chuyển lên Kim Anh và đổi tên C32. Đồng chí Hiệu Phó Nhà trường là Bùi Bá Đoan phụ trách chuyên môn có nhiều kỷ niệm và được giới nuôi chó Hà Nội ngưỡng mộ. Đồng chí Đoan thường mời một số anh em Hội nuôi chó Hà Nội lên để tham quan và tập huấn ở Trại. Chuyện khá hài hước, có một Giảng viên được giao nhiệm vụ hướng dẫn cho học viên "Thế nào là biểu hiện của chó chửa ?", sau đó đồng chí Giảng viên này hướng dẫn mổ thử một con chó cho là chửa để anh em chứng kiến. Khi mổ ra, hơi bị choáng, vì con chó này lại không có...thai !

C32 còn có đồng chí Bộ, Trưởng phòng Chăn nuôi, người loắt choắt, tính tình cởi mở, chân tình, được anh em giới nuôi chó Hà Nội quý mến. Nay đồng chí Đoan đã nghỉ hưu, đồng chí Bộ lên Đại tá thay đồng chí Đoan Lãnh đạo Nhà trường. Vậy ngành nuôi chó nghiệp vụ ở Việt nam thì lon Đại tá là cao nhất.

Phụ trách ngành nuôi chó của Bộ Nội Vụ là Thứ trưởng Cao Đăng Chiến. Đồng chí Chiến rất mê chó, đã mang đôi bẹc giê thuần chủng về Trần Quốc Toản nuôi, song mãi không đẻ được vì đồng chí Bảo vệ theo " sách" của đồng chí Chiến bảo :" Cứ sau 5 ngày sạch kinh thì hãy mang đi lấy giống !". Vì đồng chí Chiến chỉ mê chó nhưng không có thực tiễn, đọc nhiều sách y học của người, cứ suy từ "người" nên xảy ra nông nỗi này, đâu có biết rằng : ở chó sạch kinh là trứng đã ngừng rụng.

Trước năm 1975, người nuôi chó cảnh ở Hà-nội chủ yếu ở Ngọc Hà và làng Thanh Trì. Ngọc Hà là đất hoa, người dân thích cái đẹp nên yêu chó cảnh. Còn Thanh Trì thời Tự Đức là nhà tù cải tạo dân trộm cắp, đất này có máu tù nên dân thích nuôi loại Béc-giê to lớn, hung dữ để dọa trộm.

Người nuôi chó cảnh trước 1975 ở Hà-nội chỉ đếm trên đầu ngón tay như: Nguyễn Bảo Sinh ở 167 Trương Định; Phạt Khoèo, Nghĩa, Hoàn ở Thanh Trì, ông Thỏa ở Trương Định. Ông Thỏa trước làm tiếp phẩm cho Trường nuôi dạy chó của Bộ Nội Vụ. Thời đó, kiến thức về chó ít ỏi. Ông Thỏa là người đầu tiên có công phổ biến cách cho chó Bẹc-giê giao phối.

Những bậc lão thành nuôi chó nay đã giải nghệ. Ông Thỏa đã hơn 70 tuổi, tóc trắng xóa, đôi mắt không còn sức thanh xuân, đi đứng chậm chạp, sức sống cạn kiệt. Còn Phạt Khoèo thời sốt đất phát tài to, song lại lao vào cờ bạc, đỏ đen về chơi gà chọi nên tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Còn ông Nguyễn Bảo Sinh là vẫn duy trì và phát triển ngành nuôi chó, vẫn chẳng bỏ được thứ đam mê lạ kỳ này.

Đặc biệt là ông Đỉnh ở Hàng Chiếu đã mất từ lâu, song những năm 90, mấy cô con gái ông làm nghề dạy học lại vẫn tiếp tục nuôi chó cảnh, nghề mà người Cha đã say mê từ năm 1947. Mấy cô con gái ông Đỉnh nuôi chó Nhật trên chính ngôi nhà ông Đỉnh ở năm 1947.

Sau năm 1975, Miền nam giải phóng, phong trào nuôi chó mở sang trang mới.

Nhu cầu của người Sài -gòn về chó Bẹc -giê rất cao. Thời Ngụy, chó Bẹc - giê là binh chủng bí mật của quân đội, nên dân thường không được nuôi, trừ một số gia đình có thế lực mới được phép nuôi giống này.

Từ năm 1975-1985, người Miền Bắc có phong trào nuôi Béc-giê bán cho Sài Gòn. Người Bắc Kỳ độ ấy nghèo lắm, cơm chẳng đủ ăn, mấy ai dám nuôi Bẹc-giê. Người Hà nội nuôi chó Bẹc giê chủ yếu để bán, chống đói. Không ai dám bỏ tiền ra để nuôi chơi. Suốt từ năm 1975-1985, Hà nội chỉ là nguồn cung cấp chó cho dân Sài -gòn.

Ông Khuyến, tay chơi gà chọi nổi tiếng Hải phòng là người đầu tiên dùng hon-da đặt thêm cũi sắt chở chó từ Hà nội xuống Hải Phòng, vận chuyển bằng đường biển vào Sài-gòn bán.

Khoảng năm 1975, ông Nguyễn Bảo Sinh mua lại con chó Béc giê tên Bạch Tuyết của Bộ Nội Vụ. Thời ấy thì đây là con chó to nhất, đẹp nhất.

Đẹp nhất lúc sơ khai nuôi chó gần như đồng nghĩa với to nhất. người ta kháo nhau chó nào nặng bao nhiêu cân, cao vai bao nhiêu cm? Họ cân chó đẹp như cân lợn, chẳng thèm biết đến mọi tiêu chí Quốc tế về giống chó đẹp " thuần chủng thuần chiếc " gì sất. Vì vậy, Hà nội có phong trào nhồi chó. Chó Bẹc giê nào cũng bụng ỏng như lợn, không thích chạy nhảy, chỉ nằm thở phì phò. Chủ chó làm một cái tạp dè đeo cho cả chủ lẫn chó, một tay cầm phễu to đút vào mồm chó, một tay múc cháo "rót lấy rót để" vào cái gọi là" bộ máy tiêu hóa" của chó ! Nhồi chó tới mức độ có con thậm chí quên cả phản xạ tự lấy thức ăn trời đã ban phát bẩm sinh biết ăn. Còn vất vả hơn ngày nay các bà mẹ trẻ quá yêu con, nhồi cho các cháu bé đến toát mồ hôi mới xong một bữa ăn.

Nghĩ mà thật ngây thơ, một lần tôi va cậu Hiếu ở 117 phố Huế đang ngồi chơi lúc 15 giờ tại quán nước, có một ông bạn đi qua bảo : ở Lạch tray- Hải phòng có một con chó Bẹc giê to bằng con bê. Thế là máu" tò mò" của tôi và Hiếu nổi lên. Mặc dù trời rét lạnh, mưa phùn gió bấc, trời trở tối, hai thằng yêu chó như điên đèo nhau xe máy phi thẳng xuống Hải Phòng. Đến Lạch Tray lúc nửa đêm, tôi và Hiếu mãi mới mò ra địa chỉ con chó to như con bê. Ông chủ chỉ cho tôi một con chó chỉ nhỉnh gấp rưỡi con chó ta ! Và ông ta trầm trồ cho là "to nhất". Chán hẳn, hai thằng đien lại "phi" về Hà nội. Mưa càng ngày càng đậm hạt, chân tay tê cóng, bụng đói , nhiều lúc tưởng không thể điều khiển nổi tay lái.

Đến hôm nay, nhiều khi tôi và Hiếu ngồi ôn lại với nhau chuyện xưa , cái thời ấu trĩ nhưng lại yêu chó đến điên khùng.

Còn trên cả điên khùng là ông Khải mù ở ngõ Trần Quốc Toản. Ông ta tuy mù nhưng lại có hai vợ, hai vợ xinh dẹp và sợ Khải một phép. Đến người sáng mắt như tôi cũng không thể điều khiển nổi một vợ, thì ông Khải mù quả là " anh hùng hảo hán". Hơn nữa, Khải mù còn là Chủ nhiệm một Hợp Tác Xã làm phụ tùng xe đạp. Năm 1975 xe đạp là phương tiện duy nhất để giao thông thì Chủ nhiệm Khải là " Nhà Doanh nghiệp Vĩ đại nhất của Hà nội".

Ông Khải mù lại chơi chó. Ông bắt con cái chở đi khắp nơi đồn có chó đẹp. Ông xuống tận Hải phòng, Hải Dương, Vĩnh phúc để "sờ" chó. Thời đó ô tô rất ít, đi lại như thế khó như ta đi lại vòng quanh nước Tàu. Bất cứ một con chó Bẹc giê nào dù dữ đến đâu, Khải mù cũng ôm ngay được và sờ mó, vuốt ve, mặt rưng rưng, dật dật cảm động như đang nắn bóp vuốt ve người tình, mắt "đờ" ra toàn lòng trắng !

Một lần Khải mù lên 37 phố Bát Đàn mua của ông Dũng một con Bẹc giê màu đen. Nuôi một thời gian chó đổi lông sang màu vàng. Theo luật thì Khải phải chấp nhận. Khải không chịu, Khải nấp ở cổng nhà Dũng Bát đàn,Dũng vừa mở cửa, Khải thộp ngay được ngực, rút ngay dao ra và hô hoán ầm lên:" Mày thấy tao mù, mày lừa bán cho tao con chó lông vàng lại bảo là lông đen. Ông phải giết thằng lừa đảo". Nhân dân đi qua ai cũng bảo: " Tệ quá! Ai lại đi lừa người mù!". Quả đó , Khải thắng to, Dũng thì nhớ một đời. Dũng phải trả lại, kể cả tiền bồi thường công nuôi dưỡng.





CÂU CHUYỆN VỀ CHÓ RÔ-MAN "PHẢN CHỦ".


"Khuyển mã tri tình" sẽ là không đúng với một số "chó phản chủ", bọn này không nên xếp vào loại "khuyển" mà nên xét xem có từ nào thậm tệ hơn từ "đồ chó má" để gọi chúng.

Vào đầu thập niên 80, con Bẹc-giê tên Rô-man là chó của Bộ Nội Vụ trang bị cho nhân viên Bảo vệ Kho hàng Ga Yên-viên, môt ga hàng hóa nhỏ ở Gia lâm, bên kia sông Đuống. Một hôm, kẻ cướp bẻ khóa kho, cướp hàng. Nhân viên bảo vệ và Rô-man xông ra chiến đấu. Rô-man bị đánh què, còn nhân viên bảo vệ bị đâm chết. Thương binh Rô-man bị thải ra bán cho dân nuôi.

Trương Tử Nam đẹp trai như người mẫu Hà-nội đã mua Rô-man về nuôi tại 17 Nguyễn Huy Tự. Chỉ sau đó không lâu, Trương Tử Nam dính lứu vào vụ vượt biên , bị công an "bỏ kho".

Gặp nạn, Nam phải bán cho "Quyết Thuốc lào" ở phố Bà Triệu. Quyết Thuốc lào yêu quý chó hơn cả vợ con, vì mua được chó khôn lại giá rẻ, đặc biệt Rô-man là chó đã được huấn luyện bảo vệ chủ. Ai đánh chủ là Rô-man xông tới dùng mõm đánh cho quay đơ ra, rồi há mồm "ngửi" vào cổ họng đối phương.

Dù khôn thế nào thì "chó vẫn là chó", nó không thể phân biệt được bạn bè bắt tay nhau ôm hôn hay đánh nhau ! Một đêm Quyết ôm hôn vợ, Rô-man xông tới "đả" vợ Quyết một trận gần chết. Ông Tổ trưởng dân phố tưởng chuyện gì vội chạy tới, khi ra về bắt tay Quyết lại bị Rô-man cho luôn một trận no đòn.. Nhà Quyết trong ngõ, ai ai đi qua trông thấy "Ngài Rô-man" ngồi lù lù trên giường cũng đều len lén sợ hãi như trông thấy rắn cạp nong cạp nia, hổ mang bành! Bạn bè cũng ít ai dám đến chơi, mặc cho Quyết cam kết: " Mời các Bác cứ vào chơi, Rô-man khôn lắm, tuyệt đối không cắn các Bác đâu!".

Đúng là "dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng". Nguy hiểm nhất là mỗi khi Quyết mở cửa ra, Rô-man xông tới bể nước công cộng uống tòm tọp trên các chậu nước rửa mặt khiến nhân dân sợ hãi và vô cùng căm tức. Ức nhất là một đồng chí thượng tá quân đội khi bị Quyết mắng nhiếc:" Mày đừng tinh tướng, Rô- man đi chơi phố thì cả nước ra chiêm ngưỡng, còn mặt mày, cứ đi cả ngày chả có ma nào thèm nhìn!"

Sau đó đồng chí Thượng tá và dân phố phải nhờ công an can thiệp, Quyết cậy mình là thương binh hạng nặng, bỏ ngoài tai. Xã hội ta rất biết ơn thương binh, họ được ưu đãi, nên có một vài ông vỗ ngực, công thần, coi thường pháp luật.

Một buổi Quyết mang chó ra phối giống tại cổng trường Tiểu học Lê Ngọc Hân - Một sự kiện làm chấn động nhân tâm. Các em học sinh nam, nữ bỏ học ra xem đôi chó kéo co nhau thở hồng hộc. Khách qua lại dừng chân, ô tô đỗ lại thành từng đoàn xem chó phối giống. Đoạn đường từ Bà triệu tới Đại Cồ Việt tắc nghẽn giao thông. Hà nội thời những năm 80 rất vắng ô tô, không bao giờ có tắc đường cả.

Sau phi vụ này, Quyết bị Phòng Giáo dục tố cáo là tuyên truyền tệ nạn xã hội cho các em học sinh bằng hình thức : cho xem phối giống chó, văn hóa khiêu dâm, đồi trụy ( bây giờ gọi là sexy ) ! Cuối cùng, không gì cứu được Quyết, bị bắt và tống giam vào Hỏa lò Hà nội. Thường ngày Quyết vẫn nói:" Chỉ có bước qua xác thằng Quyết này mới bắt được chó!". Lần này, vợ Quyết khóc mếu máo nhờ người bán hộ "Ngài Rô man"càng nhanh càng tốt, giá bao nhiêu cũng bán !

Quyết là người thứ hai lập "kỷ lục Ghi-nét Việt nam" về nuôi chó mà bị ngồi tù ! ( Đầu tiên là ông hàng phở Phủ Sơn Tây nuôi Bẹc giê bắt trộm gà hàng xóm ).

Sau khi ra tù, có lần Quyết đến tôi chơi. Anh em đang ngồi uống nước bỗng dưng có hai đại ca bước vào, Quyết và hai đại ca đều sững sờ, một người hỏi Quyết:
-"Có nhớ anh không?"
Quyết ngớ ngẩn giả bộ không biết. Đại ca nhắc:
-"Cái hồi bị giam khai là nuôi chó bị bắt, các đàn anh mắng cho một trận bảo là "đồ ngông cuồng", hỗn láo, bắt đi đổ bô một tháng trong hỏa lò mà còn quên à?"
Quyết lặng thinh, bẽn lẽn cúi mặt xuống đất.

Rô-man lại được "sang tên" cho cậu Nam lái xe ở cuối phố Lê Đại Hành, cậu này nuôi một thời gian thì gây tai nạn chết người cũng phải ngồi nhà đá "bóc lịch".

Rô-man rơi vào tay Bà Lan Mười, chủ xưởng nhựa lớn ở phố Hàng Bột, chẳng bao lâu Bà này bị tịch thu toàn bộ tài sản theo Nghị Quyết 228, hồi đó dân ta gọi là "Nghị Quyết hai hai túm". Người Kinh Doanh không được tôn vinh "Doanh Nhân" như bây giờ, đều bị cho rằng"phe phẩy, buôn bán phi pháp" những nhà kinh doanh có máu mặt ở Hà nội đều bị tịch biên tài sản và tóm gọn.

Đúng là con chó mang phúc, nhưng khi mang họa cho con người thì lại không phải là nhỏ. Chả thế mà ở những đền thờ ta có tục lệ thờ chó đá, biết đâu ngày xưa chó lại còn mang họa cho chủ hơn những chuyện này nhiều, ít nhất mang bệnh Dại chắc sẽ giết chết chủ trước, Y học mãi sau này Louis Pasteur mới tìm ra được vaccine phòng bệnh chó Dại.

Rô-man theo tướng số thì xếp vào loại phản chủ số 1. Chủ nào nuôi Rô-man, nhẹ thì tán gia bại sản, nặng thì tù tội, nặng nữa thì tử vong.


LỊCH SỬ SANG TRANG.

Từ năm 1985, đất nước rục rịch chuyển sang kinh tế thị trường, vận mệnh của con chó cũng thay đổi. Đó cũng là tiên tri cho sự đổi thay của vận mệnh con người. Đã có nhiều cuộc họp của các cấp Lãnh dạo về việc :"Có nên bãi bỏ Lệnh cấm nuôi chó không?"

Theo tinh thần của Thành Ủy thì đất nước ta còn nghèo, nhiều cụ già còn chưa đủ cơm ăn, trẻ thơ còn thiếu sữa, ta lại cho nuôi chó Bẹc-giê bằng thịt, sữa thì có gì mâu thuẫn với thực tế của một đất nước còn nghèo nàn không?

Công văn đề nghị của Sở Công an có đề nghị:

1.Chó là con vật gắn bó với dân tộc từ mấy ngàn năm lịch sử, gắn bó với tâm linh con người " Khuyển Mã tri tình".

2.Các Quan chức Nhà nước ta có nhiều người thích nuôi chó : Vũ Xuân Chiêm : Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng; Lê Nam Thắng : Tư lệnh Quân Khu Thủ đô; Nguyễn Chánh: Chủ Nhiệm Tổng Cục Hậu cần; Hoàng Minh Giám: Bộ trưởng; Đồng chí Nguyễn Đức Thuận...

3.Các nước Xã Hội Chủ Nghĩa anh em như: Ba-lan, Tiệp Khắc, CHDC Đức, Liên Xô... đều cho phép mọi người nuôi chó.

Những cuộc họp Thành phố đều có phần nội dung tranh luận về vấn đề nuôi chó.

Rồi dân Hà nội choáng váng một cách bất ngờ khi nghe tin được phép nuôi chó, cũng đồng nghĩa với chấm dứt, xóa bỏ một thời kỳ bao cấp kéo dài, đã làm cho con người "nghèo đói như nhau", nền kinh tế đất nước tưởng chừng sắp rơi xuống vực thẳm.

Lịch sử đã sang trang, dân nuôi chó nổ sâm-banh ăn mừng. Mọi người nô nức dắt chó đến 86 Nguyễn Du, xếp hàng tiêm phòng Dại và lấy " Giấy phép nuôi chó". Trưởng Phòng lúc đó là Thiếu tá Tạ Văn Thi và Đại úy Phó phòng Khương Văn Đồng. Sau này Đại úy Khương Văn Đồng về làm Quận phó hình sự Quận Hai Bà Trưng. Bác sỹ tiêm chó là Thiếu úy Dung, cấp Giấy phép: Thiếu úy Long.

Nội dung Giấy phép nuôi chó đọc rất kỳ cục :" Tất cả mọi chó sinh sản chó con phải giao lại cho Sở Công an chứ không thuộc quyền sở hữu của người nuôi". Nhân dân thấy vô lý vì chó của dân, do dân nuôi lại nộp cho Nhà nước ! Có người lại
bảo : ta cứ giấu biệt chó con đi có mà trời tìm! Nhưng rồi cũng chẳng ai có ý kiến gì vì quá mừng là đã được phép nuôi chó, hả dạ lắm rồi.

Con chó Bẹc -giê nổi tiếng đầu tiên thập niên 80 là con A-mi của ông Nguyễn Bảo Sinh 167 Trương Định. A-mi là giòng con Bạch Tuyết, chó bẹc giê màu trắng của Bộ Nội Vụ, con chó to cao nhất Việt nam thời đó. Ông Sinh mua con A-mi giá một cây vàng. Một cây vàng thời đó mua được 2.000 mét vuông đất phố tại Hà-nội. Có lần ông Sinh vô tình nói chuyện về mua con chó giá một cây vàng thì mấy tay "anh chị " chửi :"Thằng nói láo ! Trên đời này làm gì có chó giá đến một cây vàng, mày định chửi tụi ông là "lũ đầu đất" hả ?"

Có thể nói A-mi là mở đầu của nghề kinh doanh chó tại Hà-nội.

Năm 2006, ông Sinh tổ chức ngày giỗ thứ 20 của A-mi. tất cả anh em nuôi chó thập kỷ 80 đều có mặt đông đủ. Những "cựu chiến binh nuôi chó" gặp nhau rưng rưng nước mắt , ôm chầm lấy nhau, cảm động khôn xiết.

Thời 1975 chỉ chuộng Bẹc giê màu xám, A-mi màu xám vàng. Năm 1984 trở đi lại chuyển sang chó màu đen. Ông Tính làm mành ở đường Hoàng Hoa Thám nuôi con Nét đen tuyền dáng mảnh mai như ngựa được nhiều người ưa thích.

Cũng khoảng 1985, Phong Hải Hưng ( nay là Hải Dương) dạy Trường Đảng, có con Mi-Sa mầu đen vàng nổi tiếng nhất Miền Bắc. Mọi người đua nhau đem chó đến lấy giống, nhiều người nhận bừa là lấy giống chó Mi-Sa để dễ bán chó con. Giá bán chó con của giống Mi-sa kỷ lục của cả nước là 4-5 chỉ vàng một con, thậm chí năm 2001 lên tới 10 cây vàng một con !

Đúng là "Chó lại lên Voi" !
 

ruacon80

New Member
Ôi, năm 2001 mà 10 cây vàng 1 con chó con áh bác. Ghê thế cơ àh
10 cây vàng bây giờ gần 200tr, hồi 2001 chắc cũng phải 60-70tr ý nhỉ
Kinh quá
 
Top