• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Chó làm xiếc.

KimCuong

Active Member
Là học trò duy nhất của cố nghệ sĩ Tạ Duy Hiển - ông tổ sáng lập ra ngành xiếc Việt Nam về dạy chó làm xiếc, nghệ sĩ ưu tú Tạ Thuý Ngọc đã trải qua hơn 30 năm trong nghề, cùng đàn chó thân yêu của mình đã đi biểu diễn khắp các vùng miền của Tổ quốc và nhiều nước trên thế giới. Nhân dịp đầu năm Bính Tuất, bà đã tiết lộ nhiều câu chuyện thú vị và cảm động trong quá trình huấn luyện chó và biểu diễn.

Dạy chó học bài

Tiết mục này luôn được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả, đặc biệt là các em nhỏ. Cứ mỗi lần biểu diễn, khi tôi tuyên bố: “Bây giờ cả lớp sẽ học bài” là cả sân khấu như sôi động hẳn lên. Các em nhỏ đua nhau giơ tay để đưa ra các phép tính cho các chú chó làm tính. Tất cả các phép tính đơn giản từ 10 trở xuống dù là phép cộng, phép trừ, hay phép nhân, phép chia, các “diễn viên” chó đều nhẩm tính rất thành thục.

Thực ra để dạy chó tiết mục này không khó, nhưng đòi hỏi người huấn luyện phải kiên nhẫn và không được đánh chúng nếu chúng sủa sai hoặc không chịu sủa. Bạn hãy nhớ rằng, muốn huấn luyện chó làm bất cứ động tác gì, phải làm vào lúc chúng đói. Theo bản năng, chúng sẽ sủa đòi ăn. Bạn hãy kiên nhẫn chờ chỉ khi nào chúng sủa 1 tiếng mới cho ăn. Sau đó để chúng sủa 2 tiếng mới cho ăn, dần dần chúng sẽ sủa bao nhiêu tiếng là tuỳ thuộc vào “cô giáo”. Bạn có để ý thấy người điều khiển tiết mục cầm một cái thước ra hiệu cho chó sủa. Khi họ vẫn giơ thước lên cao, “diễn viên” chó vẫn sủa, khi họ hạ thước xuống đồng nghĩa với việc “diễn viên” được thưởng thức ăn và khi đó chúng sẽ lập tức ngừng sủa.

Về lý thuyết là vậy, nhưng đôi lúc tôi cũng gặp “sự cố” trong tiết mục bởi sự tinh nghịch, hiếu động của các chú chó. Đó là khi một khán giả đưa ra phép tính “5+4=?”, tôi bắt đầu giơ thước lên và Na (cô chó được chỉ định thực hiện phép tính) bắt đầu sủa. Na sủa được 7 tiếng thì có em nhỏ gần đó đưa cái kẹo ra mời gọi. Lập tức Na bỏ dở tiết mục chạy ra gần em bé đó và nhất quyết không chịu quay về “lớp”. Khán giả được dịp cười nghiêng ngả còn tôi đành phải nhờ người cộng sự ra “mời” cô nàng về. Khi quay về vị trí cũ, không biết do bị kích động bởi sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả hay do viên kẹo đang ăn dở, Na “láu táu” sủa một lúc 11 tiếng cho dù tôi đã đưa ra ký hiệu ngừng sủa.

Háo hức ra sân khấu

Cho đến tận bây giờ, hơn 10 năm sau khi chú chó Kaichê mất, tôi vẫn nhớ như in từng điệu bộ, cử chỉ và những năm tháng chú cùng tôi bôn ba khắp các vùng miền đất nước biểu diễn phục vụ bà con. Kaichê được đưa về đoàn xiếc trong một hoàn cảnh đặc biệt. Đó là trong lần đi biểu diễn tại Campuchia, chúng tôi ghé thăm một làng bản gần khu vực biểu diễn. Đón chúng tôi tại đầu bản là một chú chó lông xù, trắng muốt và còn rất nhỏ. Thật kỳ lạ là chú không hề tỏ thái độ canh chừng, cắn sủa như những con chó khác thường làm khi thấy người lạ xuất hiện. Chú quấn lấy chân khách rất thân thiện và mừng rỡ như đã quen. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua Kaichê về để dạy làm xiếc, chị chủ nhà vui vẻ đồng ý nhưng nhất định không chịu nhận tiền mà đòi đổi lấy… 3 kg muối.

Khi về đến VN, Kaichê mới được 3 tháng tuổi nhưng đã chứng tỏ là một chú chó thông minh đặc biệt. Thông thường, dạy một con chó làm được một vài động tác để ra sân khấu biểu diễn như đi hai chân, nhảy qua vòng hoa, học làm phép tính phải mất khoảng 1 năm. Thế nhưng đối với Kaichê, tôi chỉ mất thời gian huấn luyện hơn nửa năm là chú đã có thể “tự tin” ra sân khấu. Hơn 10 năm làm “diễn viên”, Kaichê luôn là tâm điểm chú ý của khán giả bởi ngoại hình đẹp và thông minh, đón bắt ý của chủ rất nhanh.

Khi về già, mặc dù mắt mờ, răng rụng hết, nhưng cứ mỗi khi nhạc nổi lên báo hiệu tiết mục chó biểu diễn bắt đầu là Kaichê lại “háo hức” như lần đầu được ra sân khấu biểu diễn. Thấy Kaichê đã già, tôi quyết định cho chú “nghỉ hưu”. Thế nhưng, khi nghe thấy tiếng nhạc tiết mục nổi lên, chú vẫn lao ra sân khấu, cho dù không nhìn thấy đường và nhiều khi đâm vào tường, chú vẫn ngồi đúng vị trí "lớp trưởng" của mình trong tiết mục “Chó học bài”.

Tình thân

Mọi người đều biết rằng chó là loài vật có lòng trung thành và tình cảm nhất. Nhưng đối với tôi, chúng còn là những “người bạn” đồng cam cộng khổ. Thông thường, tiết mục của tôi cần từ 7 - 8 chú chó để biểu diễn. Những lúc không ra sân khấu, tôi thường thả chúng chạy tự do, nhưng hễ nghe thấy tiếng tôi gọi, cả đàn sẽ tập trung đông đủ không thiếu con nào.

Trong một lần đi biểu diễn phục vụ bà con tại vùng núi cao, tôi bị cảm lạnh và sốt cao. Lúc đó đêm đã khuya, anh em trong đoàn thì mỗi người ở một nhà dân và chỗ ở tương đối xa nhau. Trời về khuya tôi càng sốt cao, lạnh run bần bật và thiếp đi lúc nào không hay... Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, chị chủ nhà cho hay: “Mấy chú chó của cô thật khôn. Chúng đã gọi tôi và dẫn ra chỗ cô. Chúng còn tha hết quần áo trong rương ra phủ khắp người cô”. Cả đàn chó vây quanh tôi, con nào cũng vẫy đuôi mừng rỡ...

Sưu tầm.
 
Top