Trích:
“Trường đua chó bắt chuột” ở Tân An
Lê Kim
Ở Long An, nhất là khu vực Đồng Tháp Mười, chuột nhiều vô số kể. Chuột phá hại mùa màng, gây không ít khó khăn cho nhân dân địa phương trong sản xuất. Mùa lũ năm 95, tỉnh Long An phát động phong trào diệt chuột, chỉ riêng huyện Vĩnh Hưng, nhân dân đã bắt được trên 1 triệu con chuột lên các gò, cây cao. Khác với loại chuột nhà, chuột ở Đồng Tháp Mười là hai loại chuột cơm và chuột cống nhum, chỉ ăn lúa và bông cỏ, nên béo múp và là món ăn khoái khẩu của bà con....
Đó là chuyện chuột ở Đồng Tháp Mười, nhưng ít có ai biết ở Long An có một trường đua chó bắt chuột cách nay gần 50 năm, vào mỗi dịp Xuân về.
Theo ký giả Pháp Henry Lamagat, tác giả cuốn "Những kỷ niệm của một ký giả già ở Đông Dương", xuất bản năm 1942 tại Đông Dương thì. Ganesco, chánh Tham biện tỉnh Tân An thời ấy, nguyên là Chánh văn phòng của Thống đốc Nam kỳ Rodier, là một tay ăn chơi bạt mạng đã tổ chức ra trường đua chó bắt chuột tại tỉnh Tân An. Ở khu vực trường đua này, tên chủ khách sạn Hoàn Cầu là người thầu các cơ sở dịch vụ phục vụ khách từ Sài Gòn xuống hoặc miền Tây lên.
Trường đua "chó bắt chuột” kiến trúc đơn giản là một cái hố xây xi măng có bán kính 15 mét, xung quanh được bao bọc bằng lưới mắt cáo. Khán giả ngồi ở hàng ghế bao quanh giống như rạp xiếc. Những con chó dự thi được đăng ký trước để người phụ trách xếp bảng thi đấu từng đợt. Nhưng con chuột cống to, được người ta mua của nông dân rộng từ ngày hôm trước. Mỗi lần đua chó bắt chuột, người ta thả vào hố 1 con chó và 25 con chuột. Giám khảo có máy tính giờ để ghi lại thời gian mỗi con chó tiêu diệt hơn hai tá chuốt này. Cứ như thế, chuột được đưa đến không ngưng cho đến con chó cuối cùng của đợt thi đấu. Sau đó trước sự có mặt của khán giả ban giám khảo công bố kết quả cuộc đua. Chủ nhân của những con chó bắt chuột giỏi được nhận hiện vật tặng thưởng do chính tay Tham biện Ganesco trao.
Trò chơi mới lạ, ban đầu thu hút khách Sài Gòn và các tỉnh miền Tây khá đông đổ về Tân An, Trường đua ngựa Phú Thọ cạnh tranh không lại. Về sau trò chơi chó bắt chuột ngày càng lu mờ, nhàm chán. Người dân địa phương chỉ tổ chức vui trong cộng đồng làng xã.
Trích tạp chí: Kiến thức ngày nay (Tr. 69, Số đặc biệt, xuân Bính Tý, năm 1996)