• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Cảm động chuyện bà bán nước nuôi lũ chim hoang

Hung.tinhyeu

Active Member
Một bà cụ bán nước vỉa hè ở ngã tư Bà Triệu - Tô Hiến Thành (Hà Nội) có một "đàn con hàng trăm đứa”. 10 năm qua dù lễ tết giá rét nắng lửa thế nào bà cũng không quên cho "đàn con" của bà ăn. Chúng đã ăn hết hàng tấn lúa gạo của bà để rồi bay lên… trời. Bởi chúng là chim!

Mua hàng tấn gạo để cho chim ăn

Tính đến bây giờ đã 20 năm bà Tim (có người còn gọi là bà Hào) ngồi bên sạp hàng đơn xơ chỉ với vài bao thuốc chiếc điều cày và ấm nước trà. Hôm nào cũng như hôm nào từ rất sớm bà Tim đã dọn hàng ra bán. Chỉ vừa nhìn thấy bà lũ chim sẻ đã kêu nháo nhác trên ngọn cây đòi ăn.

Bà Tim chưa kịp bày hàng ra bán đã vội lấy gạo trong chiếc chai nhựa đổ thành từng đống dưới gốc xà cừ. Gạo vừa đổ xong bà Tim chỉ kịp quay gót chân lũ chim từ trên cây đã sà xuống rất đông.

Cam dong chuyen ba ban nuoc nuoi lu chim hoang.
Chim sẻ dồn về sinh sống ở góc phố Bà Triệu-Tô Hiến Thành. (Ảnh Nguyên Minh)

Bà Tim quê ở một xã rất nghèo của huyện Quốc Oai Hà Nội. Bà bảo cho đến bây giờ bà vẫn không có gia đình. Cuộc sống hiện tại bà đang phải nương nhờ vợ chồng cô cháu gái đàng nhà ngoại đang sống ở Hà Nội.

Vào những năm 90 của thế kỷ trước công việc bán nước trà vỉa hè cho thu nhập không đáng là bao. Nhưng bước sang những năm 2000 nền kinh tế thành phố bùng nổ nhiều công ty mới thành lập nên việc bán nước trà vỉa hè cho thu nhập rất khá. Thế nhưng bà Tim dường như đã quen với cuộc sống khó khăn nên việc kiếm được nhiều tiền hơn cũng không khiến bà vui.

Trong lúc không mấy vui vì công việc kinh doanh đang tiến triển ấy bà Tim chợt phát hiện ra quanh nơi bà bán hàng thường xuyên có vài ba chú sẻ nâu bay lượn và miệng lúc nào cũng "kêu inh ỏi" vì đói và vì không kiếm được thứ gì để ăn.

Thương những con chim đói nên những ngày hôm sau ngày nào bà cũng mang gạo bỏ dưới gốc cây xà cừ cho ăn. Từ khi được cho ăn gạo ăn thóc thì tính nết những con chim thay đổi hẳn. Chúng không kêu nhiều và không xục xạo vào những đống rác bẩn thỉu kiếm thức ăn như trước nữa.

Thay vào đó những con chim bay nhảy trên những ngọn cây hót líu lo và rủ thêm bạn về ngày một đông hơn. Rất nhiều chim lạ kiếm ăn ngang qua thấy có nhiều đồ ăn nên những ngày sau đó cũng chỉ quanh quẩn trên những ngọn cây đói lúc nào lại sà xuống ăn gạo bà Tim đã rắc sẵn.

Cho đến thời điểm hiện nay đàn chim sẻ thường xuyên tập trung trên những ngọn xà cừ khu vực ngã tư đường giao Bà Triệu và Tô Hiến Thành lên đến vài trăm con. Chim tập trung đến càng nhiều thì thức ăn tiêu tốn càng lắm.

Mỗi ngày để đàn chim được no bụng bà Tim phải mất đến gần một kilogam gạo và vài lạng thóc. Mà thóc gạo bà Tim mua cho chim ăn cũng không phải là loại thường. Bà bảo đó đều là những loại gạo hảo hạng. Nếu có sống một mình bà cũng chẳng bảo giờ dám mua loại gạo đó để ăn.

Tôi bần thần làm một thống kê cơ học thì hóa ra số thóc gạo bà Tim cho lũ chim ăn hàng ngày tương đương với khẩu phần của hai ba người trưởng thành. Nếu nhân với số ngày của 10 năm thì đó là cả một gia sản mà nhiều nông dân mơ ước cả đời cũng không dành dụm được.

Mười năm ăn Tết cùng chim

Suốt 10 năm nuôi đàn chim có những chú chim đã trở nên rất thân thiết với bà. Lúc vắng người chúng vẫn nhảy lon ton quanh chân bà. Có con liều lĩnh còn bay lên đậu trên đầu trên vai bà. Nhiều lần bà Tim còn định đặt tên cho từng chú chim nhưng vì chim thì có hàng trăm con nào cũng giống con nào sợ không phân biệt được hết... nên bà lại thôi không đặt tên nữa.

Cũng vì quan tâm đến lũ chim mà việc bán hàng của bà Tim nhiều khi bị xao nhãng. Có lúc khách đến đông nhưng mải nhìn chim bà không nghe thấy khách gọi những thuốc những nước gì. Khách cứ ngồi đợi nhưng lâu quá không thấy chủ quán phục vụ thì đứng dậy bỏ đi bà cũng không biết. Vì vậy quán nước của bà Tim lúc nào cũng vắng khách. Những khách hàng chịu ngồi ở quán của bà hoặc phải là khách rất quen hoặc họ ngồi uống nước chỉ vì muốn được nhìn ngắm lũ chim hàng trăm con đang ăn gạo trên một khu vỉa hè thuộc loại thanh bình nhất Hà Nội này.

Cam dong chuyen ba ban nuoc nuoi lu chim hoang. Cam dong chuyen ba ban nuoc nuoi lu chim hoang.
Cam dong chuyen ba ban nuoc nuoi lu chim hoang.
Mười năm qua bà Tim bán nước vỉa hè dường như chỉ để dành tiền mua lúa gạo nuôi lũ chim trời mà bà quý chúng như con cái trong nhà. (Ảnh Nguyên Minh).
Sau 10 năm chăm chút đàn chim bà Tim coi đàn chim như là "con cái trong nhà" nên tìm mọi cách chăm sóc và bảo vệ. Có lần một tốp thanh niên đi uống rượu say ở đâu đó ngang qua thấy nhiều chim thì cầm gạch định ném chết đem về làm thịt. Bà Tim đang giót nước cho khách thấy thế vội chạy ra lùa lũ chim bay lên cây. Tốp thanh niên thấy cảnh ấy vội bỏ gạch và lặng lẽ chuyển đi sang bên kia đường mà không dám giáp mặt bà…

Trong suốt mười năm chăm sóc đàn chim bà chưa bao giờ để lũ chim bị đói. Cũng vì sợ bầy chim bị đói nên những hôm trời mưa to gió lớn hay những hôm trời rét cắt da cắt thịt bà vẫn dọn hàng ra bán để được nhìn thấy và chăm sóc đàn chim của mình.

Bà bảo nhiều hôm trong giấc mơ bà thấy lũ chim kêu nhiều sợ chim đang bị đói thật nên dù trời chưa sáng bà vẫn mang gạo ra đổ đầy dưới gốc cây cho chúng ăn.

"Mà lũ chim cũng thật lạ. Chúng vẫn thực hiện việc sinh sản ở đâu đó và kéo về đây ngày một đông. Ngần ấy năm nuôi chúng hẳn có con đã già và đã chết. Nhưng chắc chúng... sợ tôi buồn nên đã tìm cách hóa kiếp lặng lẽ ở một nơi nào đó tôi không nhìn thấy?" - bà Tim nói.

Đã mười năm nay cứ vào thời gian cận Tết khi đường phố ai ai cũng nô nức đi sắm sửa thì bà lại lặng lẽ đi chợ Mơ mua hàng bì thóc gạo tích trữ để cho chim ăn. Khi năm mới đến thay vì đi chúc Tết lễ chùa thì từ ngày 30 và cả những ngày đầu năm mới bà đều dọn quán bán hàng. Những ngày ấy Hà Nội vắng teo đường hiếm có một bóng người nên ngồi từ sáng đến chiều có khi chẳng có ai vào uống nước.

Mặc dù không có khách vào mua hàng nhưng những ngày Tết chính là những ngày bà Tim vui nhất trong năm. Bởi khi ấy bà mới có cơ hội gần gũi lũ chim nhất và lũ chim cũng thỏa sức sà xuống ăn đậu trên vai trên tay trên đầu bà mà không bị nhiều người qua lại làm phiền.

Vì tình yêu kỳ quặc này của bà với lũ chim sẻ nhiều người đã ví đó là thứ tình "yêu rồ dại và mù quáng".

Bà bảo ngồi bán nước và cho chim ăn ở góc phố nhiều người nhìn thấy vẫn bảo bà lẩn thẩn. Bà thì không chắc mình có lẩn thẩn hay không nhưng bà bảo sự quan tâm của bà với bầy chim sẻ như tình yêu của người mẹ với những đứa con vậy.

Nói rồi bà Tim lại ngước mắt nhìn lên những ngọn xà cừ có hàng trăm chú chim.

Bà bảo mỗi lần nhìn thấy chúng lòng bà lại thấy nhẹ nhõm. Sự nhẹ nhõm và vui sướng của bà càng được nhân lên khi nhìn thấy những ánh mắt rực sáng và nụ cười tươi vui của các em nhỏ đi học qua được nhìn thấy đàn chim.

Những điều kỳ diệu ấy ngày ngày vẫn lặng lẽ diễn ra nhưng dường như chỉ một mình bà Tim biết được.
Nguyễn Tuyến




 
một con người bình thường...nhưng tấm lòng thật phi thường. Tôi không cần biết xã hội đánh giá họ như thế nào,nhưng đó là một tình cảm thật vĩ đại , giữa chốn thành thị xa hoa náo nhiệt như vậy.Cái gì mà "yêu rồ dại và mù quáng"chứ? Câu đó chỉ dành cho lũ thanh niên choai choai đẫy rẫy bây giờ mà thôi.NHững tấm lòng cao cả có thể hiện hữu ở khắp nơi ,ở bất kì tầng lớp nào.Xã hội chúng ta cần những người có những tấm lòng đó biết bao
 

bigflowerhorn

Chuyên gia bồ câu
Saigon, từ nhiều năm nay mình cũng thấy nhiều nơi có người cho chim se sẻ ngoài đường ăn (bồ câu cũng ăn ké :D ) vào mỗi buổi sáng sớm hay buổi chiều. Khi có dịp mình sẽ post hình lên cho mọi người xem! Nhìn chúng ăn sao mà hạnh phúc quá, chỉ sợ người ta bỏ lưng chừng thì tội nghiệp mấy em chim non quen được cho ăn mà mất bản năng kiếm mồi sẽ khó tồn tại :thingking: !
 

ngudaymuon

Active Member
Mình đã từng ngồi quán nước chè của bà rồi, đã từng nhìn thấy bà cho lũ chim ăn và hỏi chuyện bà. Bà bảo có nhiều người thấy bà mang gạo cho lũ chim ăn thì kêu bà là hâm, nhưng cũng có những gia đình gần đó hay để dành cơm khô mang cho bà và lũ chim. Giờ Hà Nội đang mốt ăn chim sẻ rán, lũ chim của bà cũng đã vơi đi nhiều :(
 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
Thật là nghịch cảnh với bà cụ nghèo khó nuôi chim...Trời thì lại thấy có nơi bán chim... trụi ( chim đã vặt lông ) trông rất dã man, phản cảm.






ĐIỀU 3 ( Bản Tuyên ngôn về quyền Động Vật )

a) Không có bất kì loài động vật nào đáng phải hứng chịu những hành động tệ bạc và tàn bạo.
b) Nếu trong trường hợp phải giết động vật, việc giết phải được thực hiện một cách nhanh chóng, dứt khoát, không làm sợ hay gây đau đớn đối với động vật.
 

yeucho89

Member
có một thứ gọi là TÌNH THƯƠNG.Nó mộc mạc mà giản đơn,đâu cần gì nhiều,một chút gạo trong bữa ăn đã đủ tích được chút phúc,đã đủ đem được hạnh phúc cho bản thân mình và cho loài vật.Chỉ cho đi mà không cần biết nhận về là gì?Thật đáng trân trọng
 

N.K.A

Member
Bài viết này em đã đọc ở đâu đó 1 lần rồi. Lần này thấy vietnamnet cũng đăng chủ đề này, cũng ko để ý bài trước có cùng tác giả này không. Em trích lại 1 bài nữa trên tuanvietnamnet; Phát ngôn hành động ấn tượng:

Bảng so sánh giữa một bà bán nước vỉa hè và một cán bộ nhà nước

So sánh này có ý gì đây?

Xin thưa quí vị, chỉ có một ý là để xem hai người này đang sống với ý thức nào đối với xã hội mà thôi.

Bây giờ, tôi xin đưa ra các thông số về hai nhân vật nói trên để các quí vị cùng so sánh. Vì tôi là người biết ít nhiều về hai nhân vật này và được chứng kiến hành động của cả hai người.

Người thứ nhất: Bà bán nước vỉa hè: không tiền lương, không bằng cấp, không chức vụ, không tài sản nào đáng giá.

Người thứ hai: Một cán bộ nhà nước: có hai bằng, một cử nhân, một thạc sỹ, có chức vụ tuy chưa cao, có lương và các thu nhập khác.

Hai nhân vật này có hành động ngược nhau trong cùng một vấn đề: môi trường. Bà bán nước tên là bà Tim, còn gọi là bà Hoà. Theo bài báo rất hay trên VietNamNet của tác giả Nguyễn Tuyến thì bà Tim đã mấy chục năm nay bỏ tiền túi ra mua thóc, gạo để nuôi hàng trăm con... chim sẻ ở góc đường Bà Triệu - Tô Hiến Thành. Tôi đã tìm đến nơi bà Tim bán nước và chứng kiến những gì mà nhà báo Nguyễn Tuyến viết.



Ở đâu đó, những con chim nhỏ bị săn bắn và biến thành đồ ăn, nhưng ở chỗ bà hán hàng nước, chúng được cho ăn và được bà coi như con cái. Ảnh: VNN

Còn ông cán bộ nhà nước mà tôi không tiện đưa tên ra đây (cho dù tôi biết ông) thi thoảng cuối tuần mặc soọc trắng, đi xe máy và có lúc đi xe hơi với một khẩu súng hơi Đức. Ông đến các vùng như Hồ Tây, Đồng Mô và một vài vùng ngoại thành để săn bắn chim sẻ và các loại chim khác. Và cuối chiều ông trở về với một xâu chim các loại mà chủ yếu là chim sẻ dài quét đất.

Thế giới đang phải gánh chịu những thảm quả kinh hoàng do sự tàn phá môi trường của con người gây ra. Đồng thời, tất cả các quốc gia đang kêu gọi con người hãy gìn giữ môi trường. Nhưng ở Việt Nam, một đất nước mà chúng ta từng tự hào về một thiên nhiên phong phú và xinh đẹp đang trở thành một trong những nước tàn phá môi trường trầm trọng nhất.

Với những người dân ngèo đói và ít hiểu biết, thì việc tàn phá môi trường một cách vô thức cũng khó mà chấp nhận được. Nhưng điều tệ hại vạn lần là những người có học hành hẳn hoi lại ngang nhiên tàn phá môi trường. Hành động tàn phá môi trường của những cán bộ này thể hiện từ việc xách súng hơi săn bắn chim như một thú chơi cho đến việc họ trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp tay cho những hành động tàn phá môi trường.

Cái thú ăn thịt thú rừng là cái thú của những người có tiền. Nếu bạn vào một quán đặc sản thú rừng ở bất cứ đâu thì những người ăn thịt thú rừng phần lớn là cán bộ nhà nước. Rồi những công trình bê tông khổng lồ mọc lên và giết chết cả một vùng thiên nhiên đẹp và cần thiết cho môi trường là những công trình được chính quyền ở các địa phương hay bộ ngành nào đó ký giấy phép.

Khi chúng ta kêu gọi xã hội bảo vệ môi trường thì các cán bộ nhà nước phải đi đầu trong mọi hành động. Cũng như khi ta kêu gọi "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" thì cán bộ nhà nước phải dùng hàng Việt nam trước. Tất nhiên không ai bắt họ phải dùng 100% hàng Việt Nam.

Nhưng thực tế người dùng hàng ngoại nhiều nhất như hàng may mặc, rượu, thuốc lá, hàng điện tử, đồ gỗ, thực phẩm, dược phẩm, đồ sứ... lại là cán bộ nhà nước. Đặc biệt là những loại hàng xa xỉ được ối ông cán bộ nhà nước dùng quá nhiều. Vì vậy, một số chính sách hay một số lời kêu gọi cũng vẫn chỉ là chính sách, là lời kêu gọi mà thôi. Vì cán bộ không thực hiện thì làm sao mà người dân thực hiện.

Cũng chính vì những điều tưởng đơn giản này khi không được thực hiện một cách nghiêm túc lại trở thành những câu chuyện tiếu lâm hiện đại trong nhân dân.

Bởi thế người ta càng xúc động và kính trọng những người dân như bà Tim thì lại càng mất lòng tin vào những cán bộ như ông cán bộ thích săn bắn chim kia.
 
Top