greenvet-hanoi
Chuyên gia thú y
Bệnh cúm H5N1 với chim nuôi cảnh
Các thuật ngữ chuyên môn tiếng Anh: Pet Bird Bird Flu, Pet Bird Avian Flu, Pet Bird Avian Influenza, H5N1- để gọi tên bệnh cúm gia cầm do virus H5N1 gây bệnh và lây lan trong đàn chim nuôi cảnh, chủ nuôi cần biết để phòng ngừa cho vật cưng của mình và an toàn cho chính con người.
Bệnh cúm H5N1 có thể lây lan gây bệnh cho chim nuôi cảnh không ?
Mặc dù rất ít trường hợp xác nhận chim nuôi cảnh có nhiễm virus H5N1, nhưng các chim nuôi cảnh vẫn là "động vật cảm nhiễm nguy hiểm với loại virus này. Đặc biệt với các loại chim cảnh được bay lượn kiếm ăn tự do ngoài tự nhiên (outdoor pet birds ), những loại chim săn bắt từ tự nhiên hoang dã mang về nuôi làm cảnh: chào mào, sao, diều hâu, cú mèo, gà tre...là đối tượng mang virus và nhiễm bệnh có nguy cơ cao nhất.
Nguồn virus H5N1 có từ đâu ra trong tự nhiên?
Đàn chim hoang dã, nhất là các loài chim di cư (migratory birds) di chuyển qua nhiều vùng của trái đất chính là nguồn bệnh. Chúng mang tiềm tàng Virus H5N1 mà không hề có triệu chứng, thậm chí không mắc bệnh ( lành bệnh mang virus ) luôn sẵn sàng gây bệnh, làm lây lan bệnh cho các loài chim khác. Chúng thực sự nguy hiểm làm bùng phát các ổ dịch lớn.
Bệnh cúm H5N1 lây lan cho chim nuôi cảnh như thế nào ?
1. Chim mới về không rõ nguồn gốc hoặc bẫy bắt từ hoang dã là đặc biệt nguy hiểm nếu không qua kiểm dịch thú y, tuân thủ các biện pháp vệ sinh thú y và cách ly với đàn chim nhà đang nuôi.
2. Các dụng cụ chăn nuôi: lồng chuồng, thức ăn, nước uống hoặc chính sự tiếp xúc của chủ nuôi với nhiều loại chim trong các petshop, petcare, petshow... rồi chăm sóc chim nuôi của mình không tuân thủ quy tắc vệ sinh thú y.
3. Các chủ nuôi có tiếp xúc, làm việc trong các trại chăn nuôi gia cầm không an toàn dịch H5N1. Tập quán " giết mổ làm thịt gà vịt, ngan ngỗng" trong gia đình hàng ngày rồi tiếp xúc với chim nuôi cảnh cũng là nguy cơ làm lây lan bệnh.
4. Các loại chim bồ câu huần luyện thi bay, đưa thư...với quãng đường đua rất dài, chim thường phải nghỉ giữa đường bay tiếp cận với môi trường không an toàn dịch bệnh H5N1 trong khi yếu sức, suy nhược cơ thể rất dễ mắc bệnh.
5. Các vật nuôi khác như: chó, mèo...có thể là vật mang nguồn bệnh do săn bắt chim hoang dã tha về nhà hoặc ăn rồi thải ra lông, xương chim nhiễm bệnh.
Triệu chứng bệnh cúm H5N1 ở đàn chim nuôi cảnh?
Không có triệu chứng gì đặc biệt, ốm tựa như các bệnh thông thường: bỏ ăn, kém ăn, ủ rũ và chết đột ngột.
Chủ nuôi chim cần làm gì đề đề phòng bệnh cúm H5N1 cho đàn chim cảnh?
1. Phải nuôi cách ly chim mới nhập về ít nhất 15 ngày nếu khỏe mạnh mới được nuôi chung nhà với chim đang nuôi. Đặc biệt với các loại chim có nguồn gốc hoang dã.
2. Vệ sinh, tẩy trùng các dụng cụ, chuồng lồng, phương tiện vận chuyển chim.
3. Nếu có hiên tượng chim chết đột ngột cần báo các bác sỹ thú y kiểm tra. Không vứt xác bừa bãi vào môi trường, nới công cộng. Tốt nhất thiêu đốt và quản lý xác chặt chẽ.
4. Các cuộc thi chim cần yêu cầu chủ khai báo nguồn gốc rõ ràng về xuất xứ của chi, thời gian nuôi chim. Không cho phép chim nghi ốm, ốm bệnh tham gia các cuộc thi chi hoăc triển lãm chim.
5. Quản lý và tẩy trùng tốt chất thải của chim trong các cuộc thi hoặc nơi công cộng.
Có nên lo lắng quá kho bạn đang nuôi chim cảnh với H5N1?
Khả năng rất nhỏ chim nuôi cảnh bị nhiễm cúm H5N1, nhưng chúng ta không nên chủ quan. Thực hiện tốt các khuyến cáo trên sẽ bảo đảm cuộc chơi của chúng ta vui vẻ và an toàn.
Bác sỹ thú y Hoàng Ngọc Báu