• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

“Hiệp sỹ” luyện béc-giê.

KimCuong

Active Member
Có những lúc, giữa ngày hè nóng nực, người và chó cùng chui vào phòng kín, Trung úy Thân phải tập cho chó đi theo nguồn hơi. Mồ hôi vã ra như tắm nhưng Thân không dám bật quạt vì sợ luồng hơi bị phát tán, chó sẽ không thực hiện tốt bài học của nó.


Ngày nhỏ, cậu bé rất sợ chó cắn. Hễ tới nhà ai chơi, cậu cũng nép vào rìa ngõ, gọi chủ nhà ra giữ chó rồi mới rón rén vào. Ấy thế mà sau này, cậu trở thành... hiệp sỹ luyện chó. Hàng chục con chó béc-giê cao to lừng lững được cậu luyện, cấp bằng chứng nhận "tốt nghiệp", trở thành chó nghiệp vụ, chỉ tiếng huýt sáo cũng khiến cả bầy chó lao vào trường đua rầm rộ như đàn sói!

Hoàng Đức Thân, cậu bé sợ chó ngày nào giờ với hàm Trung uý, là “hiệp sỹ” số 1 ở Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ. Trong báo cáo thành tích, Thân ghi: "Hoàn thiện việc in giấy chứng nhận tốt nghiệp cho chó nghiệp vụ trên máy tính".



Huấn luyện chó béc-giê. Ảnh: Đăng Trường.​


Tuổi thơ của Hoàng Đức Thân gắn liền với Trại giam số 3 do Cục Quản lý Trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng quản lý, nằm trên địa phận huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Bố mẹ đều là cán bộ công tác trong Trại giam số 3, hầu hết việc nhà do Thân - anh cả của 3 đứa em đảm nhiệm. Có đêm, cậu bé Thân thảng thốt tỉnh dậy, bắt gặp người cha đang khoác áo mưa đi tuần tra trong trời mưa bão, canh gác, lo lắng cho sự an toàn của phạm nhân.

"Nghề của cha chẳng có giờ nào là giờ nghỉ, đêm hôm căng mình tuần tra, vậy mà cha cũng cố sức theo. Nghề này có chi đặc biệt mà cha đam mê rứa" - Thân tròn xoe mắt nhìn theo bóng cha khuất dần trong màn đêm đen đặc, khuất trong tiếng mưa lộp bộp. Cơn mưa cuối mùa càng lúc nặng hạt, cậu đăm chiêu nghĩ về những bước chân cha. Cái tuổi mười hai vì thế không chỉ hồn nhiên nô đùa cùng bầu bạn...

Thân còn nhớ, việc theo học của cậu ở trường thật gian nan. Ngày ấy, Thân phải đi bộ tới chục km mới đến được trường. Khi học cấp III, Thân phải ở trọ tại thị trấn Tân Kỳ, cách nhà 10km. Quyết tâm học không phụ lòng cha mẹ, Thân đăng ký một lúc thi 4 trường đại học.

Khi nhận được giấy báo đỗ đại học, nhập học của 3 trường đại học: Kinh tế Quốc dân, Đại học Công đoàn (Hà Nội); Đại học Sư phạm Vinh (Nghệ An), Thân rất vui nhưng "em chỉ mong chờ kết quả của Trường Đại học Cảnh sát (nay là Học viện Cảnh sát nhân dân)". Một buổi chiều, có một cán bộ Công an huyện xuống tận nhà đưa giấy báo của Trường Đại học Cảnh sát. Thân đứng nép ở dưới bếp nhìn mẹ tiếp khách mà trong lòng vui mừng khôn xiết. Suốt 5 năm học, năm nào Thân cũng đạt danh hiệu tiên tiến.

Học chuyên ngành Cảnh sát kinh tế, thế nhưng khi ra trường, Thân lại được phân công về một đơn vị khá lạ lẫm: Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, Thân đã hoà nhập với công việc mới và cũng có một số thành tựu đáng khích lệ.

Trước khi chuyển công tác về Phòng Tham mưu, Trung uý Hoàng Đức Thân đã có 3 năm huấn luyện, nuôi dạy chó nghiệp vụ. "Huấn luyện chó nghiệp vụ phục vụ cho công tác chiến đấu thuộc các lĩnh vực: ma tuý; hình sự và bảo vệ. Mỗi học viên phải coi chó huấn luyện như "người nhà", đánh giá khả năng của học viên là thông qua... năng lực của chó. Chó tốt nghiệp giỏi thì người dạy chó cũng được giỏi và ngược lại" - anh kể.

Ngày nhỏ, Thân rất sợ… bị chó cắn. Ấy thế mà ngày đầu mới vào Trung tâm, Thân đã được chỉ huy giao nhiệm vụ huấn luyện con chó béc-giê cao to, nặng tới mấy chục kg, tên là Mickey. Sau khi đã nhờ người rọ mõm, Thân dùng dây xích dắt chó đi huấn luyện phát hiện chất ma tuý và cho kết quả ban đầu. Nhưng lần đó, anh bị con chó lôi đi hàng chục mét, mệt đứt hơi mà không sao dừng nó lại được.

Mất một tuần vất vả với việc huấn luyện con chó, kiên trì tìm hiểu tính cách của con chó, cùng với phát huy những kinh nghiệm học hỏi những đồng nghiệp là thầy dạy chó nghiệp vụ, Thân cũng đã "điều trị" được cậu học trò đặc biệt của mình.

Hoàn thành khoá huấn luyện, tiếp theo đó, Thân lại nhận nhiệm vụ huấn luyện con chó tên Key, phục vụ cho chiến đấu ở lĩnh vực hình sự. Để huấn luyện cho chó đánh hơi, giám biệt hơi người, có những lúc, giữa ngày hè nóng nực, người và chó cùng chui vào phòng kín, Thân phải tập cho chó đi theo nguồn hơi. Mồ hôi vã ra như tắm nhưng Thân không dám bật quạt vì sợ luồng hơi bị phát tán, chó sẽ không thực hiện tốt bài học của nó.

Cứ tập vài lượt, Thân lại cho chó đi dạo, thưởng bánh quy. Ngày đầu, con Key rất bướng bỉnh, tỏ ra hung dữ, không cho Thân lại gần. Nghe các đồng nghiệp đi trước kể rằng, những con chó có cá tính như vậy, nếu huấn luyện tốt, sẽ trở thành con chó xuất sắc, phục vụ tốt cho công tác chiến đấu của ngành, thế nên, Thân lại kiên nhẫn với việc huấn luyện chó.

Trong những năm làm công tác huấn luyện, có những chuyện sau này mãi ám ảnh chàng Trung uý trẻ. Đó là chuyện huấn luyện con chó tên Miu, phục vụ cho lĩnh vực bảo vệ. Khi đã gắn bó với con chó, Thân được đơn vị giao cho nhiệm vụ mới, chuyển về Phòng Tham mưu của Trung tâm.

Trong công việc của Hoàng Đức Thân làm, có mảng theo dõi quản lý chó ốm bệnh. Một ngày, Thân bất ngờ nhận được tin ở Phòng Chăn nuôi thú y: Con Miu đã bị bệnh chết rồi! Khi xuống làm thủ tục, trước khi vào Phòng, Thân đã đứng lặng ở ngoài rất lâu. Với anh, những con chó như Mickey, Key và Miu đã trở thành những người bạn thân thiết, sự mất đi của một trong những con chó nghiệp vụ ấy đã khiến Thân day dứt mãi.

Một trăn trở trong quá trình làm việc của Hoàng Đức Thân chính là việc kết thúc khoá huấn luyện, cả người và chó đều phải thi tốt nghiệp. Người huấn luyện nhiều khi đạt tốt nghiệp loại xuất sắc, trong khi chó chỉ tốt nghiệp loại trung bình, mặc dù ngày thường huấn luyện, chó đều trả bài rất tốt. Rồi cả chuyện cấp giấy chứng nhận cho chó, từ trước đến nay, Trung tâm vẫn làm bằng phương pháp thủ công, viết tay từng giấy.

Nhiều ngày mày mò nghiên cứu, Thân đã sáng tạo ra phầm mềm, hoàn thiện việc in giấy tốt nghiệp cho chó tự động trên máy tính theo biểu mẫu có sẵn, rút ngắn được thời gian và công sức cho những người cấp giấy. Sáng kiến này đã được lãnh đạo đánh giá cao, góp phần hoàn thiện Quy chế "Quy định về kiểm tra, xét điều kiện dự thi, thi và công nhận tốt nghiệp chương trình đào tạo cán bộ quản lý, sử dụng chó nghiệp vụ".

Ngoài ra, Hoàng Đức Thân còn chủ động rà soát và kiến nghị lãnh đạo đơn vị đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học, giúp việc cho lãnh đạo đơn vị thưc hiện đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh học truyền thống và tiên tiến để nâng cao chất lượng giống và phát triển đàn chó nghiệp vụ cho công tác An ninh"…

Tuổi đời và tuổi nghề đều còn rất trẻ, nhưng những đóng góp bước đầu của Trung uý Hoàng Đức Thân tại Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ thật đáng trân trọng


Nguồn: CAND online.
 
Top