• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Đâu là sự thật?

nguyenducminh63

Active Member
Huyền thoại loài chó lài - sát thủ của các loại rắn độc

Chó lài là sát thủ của các loại rắn độc. Khi chủ nghe thấy nó sủa ăng ẳng trong rừng, thì có nghĩa là nó đã tóm được rắn độc. Rắn độc dù hung dữ, khổng lồ, nhưng gặp chó lài là nằm im.


Gần đây, giới nhà giàu ở Hà Nội quan tâm đến thú chơi mới, đó là nuôi chó lài, loài chó săn cực kỳ thông minh, mạnh mẽ, hung dữ. Rất nhiều diễn đàn tranh luận, hỏi han loạn xạ về việc tìm kiếm chó lài.

Huyền thoại loài chó siêu thông minh

Sinh ra ở phố phường, nhưng họa sĩ Lê Đình Nguyên (Nhà hát múa rối Trung Ương) lại rất yêu động vật. Anh yêu nhất loài trâu (vì thời chiến tranh đi sơ tán với gia đình được cưỡi trâu với trẻ con nông thôn) và thèm có được con trâu để ngắm, nhưng tiếc là nhà giữa phố, không có ruộng vườn, không thể nuôi trâu được!


Họa sĩ Lê Đình Nguyên đẽo trâu.




Anh giải quyết niềm đam mê trâu bằng cách đục đẽo hàng trăm con trâu gỗ. Trong nhà anh, mấy tầng liền, rặt là trâu gỗ. Anh đưa nghệ thuật rối vào con trâu và đưa trâu về phố. Thế nên, có con trâu hình cổng làng, có con trâu hình cối giã gạo, có con trâu hình cầu thê húc, lại có con trâu hình con phố cổ. Con nào cũng có thể lắc lư, gật đầu, thậm chí “nhảy trâu cái”. Anh đã tổ chức cả một triển lãm hoành tráng mang tên “Trâu Nguyên”. Giờ thì giới nghệ sĩ gọi anh là Nguyên Trâu.

Dưới tầng trệt và mảnh sân nhỏ của anh nuôi vô số loài vật. Chó thì có mấy con. Gà 9 cựa cả đàn anh mua từ Vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ), gáy vang rền từ nửa đêm đến sáng sớm, khiến cả xóm mất ngủ. Trên mái nhà chim câu ríu rít bay về, “bậy” lên mái nhà cả khu phố.


Anh Nguyên và đàn gà 9 cựa.



Nhưng mong ước lớn nhất của anh là kiếm được một chú chó lài chính gốc miền núi, với đủ tiêu chuẩn “đốm lưỡi, huyền đề” thì suốt 30 năm nay vẫn chưa thực hiện được.

Anh Nguyên kể, anh mê chó lài từ ngày xửa ngày xưa, khi một ông giáo cùng xóm sở hữu một con chó lài đốm lưỡi, huyền đề. Anh chưa từng biết đến con chó nào thông minh như thế, hiểu được cả mong muốn của chủ. Đến bữa, ông chỉ việc bỏ mấy xu cùng cút rượu vào rá, con chó ngậm rá ra cửa hàng tạp hóa ở đầu làng Yên Phụ. Rồi nó mang rượu về cho ông.

Ông giáo ấy đọc câu thơ mà anh Nguyên vẫn nhớ: “Dù ai buôn bán trăm nghề/ Không bằng con chó huyền đề móng đeo”. Chó huyền đề, lưỡi đốm đã quý rồi, lại là chó lài nữa thì tuyệt quý. Sau này, con chó ăn phải bả chết, ông đau lòng ốm một tháng.


Anh Nguyên xem chó ở chợ miền núi.




Từ bấy, anh Nguyên khát khao được sở hữu một con chó lài. Nhưng hơn năm nay, khát khao có được một chú chó lài càng mạnh mẽ hơn và anh không tiếc thời gian, công sức để tìm kiếm.

Chuyện ráo riết săn tìm chó lài của họa sĩ Lê Đình Nguyên kể ra khá hài ước. Ấy là một lần, vào năm ngoái, gặp hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam, nghe ông Tùng kể chó lài đen tuyền là khắc tinh của các loại tà ma, anh càng quyết tâm kiếm cho được một con. Họa sĩ Lê Đình Nguyên không sợ trời, không sợ đất, nhưng lại sợ… ma.


Có chó lài giữ nhà, không sợ tà ma nữa?





Anh đến cả mấy trung tâm huấn luyện chó, cả khách sạn chó mèo ở Trương Định, rồi đặt các cửa hàng buôn chó ở Hà Nội, nhưng tuyệt nhiên không kiếm được chó lài. Hễ nghe tin ở vùng miền núi nào có giống chó này, anh phóng xe máy đến tận nơi, lùng sục hàng tuần trong các bản làng để tìm kiếm.

Thế nhưng, họa sĩ Lê Đình Nguyên đã đi gần hết các tỉnh miền núi, mà vẫn không mua được chú chó lài nào. Người thì bảo thi thoảng vẫn có, người thì bảo giống chó này đã thoái hóa mất giống từ mấy chục năm trước, người thì bảo chó lài đã… tuyệt chủng.


Xem lưỡi có đốm không nào?




Nhưng càng săn tìm chó lài, càng được nghe nhiều câu chuyện kỳ lạ về loài chó này, anh càng bị nó hút hồn. Không tìm được chó lài, thì không thể vẽ vời, đục đẽo được nữa. Thế nên, cả năm nay, họa sĩ Lê Đình Nguyên chỉ có mỗi việc là… săn chó. Có nơi, đến hỏi chó nhiều quá, người dân tưởng lão họa sĩ này là… lái chó.

Chó lai sói?

Dù chưa mua được chó lài, nhưng trong quá trình tìm kiếm, họa sĩ Lê Đình Nguyên đã được tận mắt hai con. Hai chú chó này đã làm anh mê mẩn. Một con thuộc sở hữu của một nhà điêu khắc. Anh này được người dân ở Lào Cai tặng khi đi sáng tác ở thực địa.

Con chó của anh cực kỳ thông minh, thính nhạy. Ông chủ cầm cục đá ném qua mấy mái nhà, thế mà nó phi thân vọt qua cổng, vòng vèo ngõ ngách, tha cục đá đó về.

Ông chủ đi xe máy, còn cách cả km, giữa phố xá đông đúc, ồn ào, thế mà nó đã biết, chạy ra cổng vẫy đuôi đón chủ.


Chó săn của đồng bào Mông.



Lần thứ hai họa sĩ Lê Đình Nguyên tận mắt chó lài, là lần đi ăn gà chạy bộ ở Vĩnh Phúc. Ông chủ gọi anh xuống mảnh vườn rộng mênh mông để chọn gà. Nhìn mảnh vườn rộng, rào lại thưa thế này, không hiểu ông chủ bắt kiểu gì, nhưng anh cứ chỉ bừa con gà trống.

Ông chủ mỉm cười huýt sáo, lập tức con chó đen tuyền lực lưỡng từ đâu xộc đến ngồi bên chủ. Ông chủ chỉ con gà đỏ tía đang bới đất ở góc vườn bảo: “Bắt cho bố con kia nhé”. Vừa nói dứt lời, con chó phi thân như chớp. Con gà chưa kịp phản ứng gì đã bị nó quắp hai cánh, tha về cho ông chủ làm thịt.

Anh Nguyên nhìn chú chó mà phát cuồng. Tuy nhiên, ông chủ quán gà bảo có cả trăm triệu ông cũng không bán. Mất con chó thì ông không sống nổi, chứ đừng nói chuyện đổi mấy đồng bạc.


Em gái H'Mông đi bán...chó.


Những ngày cùng họa sĩ Lê Đình Nguyên lên miền núi tìm hiểu và săn lùng chó lài, tôi cũng được nghe vô số chuyện như huyền thoại về loài chó này.

Người dân ở Lạng Sơn kể rằng, chó lài chính là chó nhà của người Mông lai với chó sói mà thành. Đồng bào một số vùng phát âm không chuẩn, nên lâu ngày chú chó tên “Lai” (chó nhà lai với sói) biến thành “Lài”.

Đặc tính trung thành của chó nhà kết hợp với sự nhanh nhẹn, thông minh, sức mạnh và khả năng săn mồi siêu hạng của sói, mà tạo nên một giống chó vô cùng quý hiếm.


Chợ chó ở Bắc Hà, Lào Cai.





Các cụ già ở vùng Bắc Hà, Lào Cai thì lại kể về loài chó này hơi khác một chút. Theo họ, chó lài chính là chó Tây lai với chó sói ở rừng Việt Nam. Người Pháp sang đây, đã lai tạo loài chó họ mang theo với chó sói, tạo ra một số giống chó khác nhau. Ở Lào Cai, ngoài chó lài, còn một số loài chó khác, to như bê, nặng 50-60kg, lông rậm như sư tử. Đây cũng là giống chó lai lung tung phèng giữa chó Tây, chó ta và chó sói.

Tuy nhiên, giờ đây, sói trong rừng không còn nhiều nữa, không được lai giống, nên chó lài cũng ngày một hiếm hơn. Thậm chí, có thể nói đã tuyệt chủng. Hiếm hoi lắm mới xuất hiện một con chó lài là vì gen trội của chó mẹ, hoặc chó bố từ tổ tiên. Hầu hết giống chó này đã thoái hóa, không còn như xưa nữa. Điều này lý giải vì sao mấy chục năm trước chó lài ở Lào Cai rất nhiều, nhưng giờ hiếm như… hổ.

Cũng theo đồng bào ở Lào Cai, nếu gia đình nào có được con chó lài, thì khỏi phải lo miếng ăn. Gia chủ sai bảo, nó sẽ tự mò vào rừng, rồi tha về các loại thú, khi thì con bìm bịp, gà rừng, con sóc núi, con cầy hương, chuột núi, dúi…


Đây là chú chó lài rất quý hiếm.





Chó lài là sát thủ của các loại rắn độc. Khi chủ nghe thấy nó sủa ăng ẳng trong rừng, thì có nghĩa là nó đã tóm được rắn độc. Rắn độc dù hung dữ, khổng lồ, nhưng gặp chó lài là nằm im. Ông chủ chỉ việc xách đồ vào rừng tóm chú rắn đang khoanh tròn, cứng đơ vì hoảng.

Mới đây, họa sĩ Lê Đình Nguyên gọi điện cho tôi, rủ đi Bắc Hà (Lào Cai), để săn tìm chó lài chính gốc. Anh bảo, mấy tay buôn chó kể với anh rằng, ở Bắc Hà có chợ chó lớn nhất Việt Nam và thi thoảng đồng bào cũng bế chó lài xuống bán.
 

nguyenducminh63

Active Member
Cuộc chiến chó lai sói và 'quái thú' khổng lồ ở Lào Cai

Theo anh chàng người Nùng nọ, nếu ai sở hữu một chú chó Lài, thì coi như quanh năm suốt tháng no đủ, không sợ đói kém, thậm chí còn có thể làm giàu. Xách súng vào rừng, nếu có chó Lài dẫn đường, thì kiểu gì cũng thu được chiến lợi phẩm.

Sở dĩ tôi lập tức lên đường theo anh, là vì mục đích mua chó của anh không phải để săn thú, trông nhà, mà là… đuổi ma. Chả hiểu sao, ông họa sĩ vốn chẳng sợ trời, chẳng sợ đất này bỗng dưng lại sợ… ma.

Chó lai sói

Bắc Hà nổi tiếng với chợ phiên họp vào ngày chủ nhật. Chợ phiên Bắc Hà lại nổi tiếng với chợ ngựa, chợ trâu, chợ chim và chợ chó. Cứ đến phiên chợ, các gia đình có con thú nào thừa, hoặc cần tiền thì đem xuống bán. Được giá thì bán, không thì mang về, coi như có cớ để đi chợ.

Sớm tinh mơ, tôi và họa sĩ Lê Đình Nguyên đã có mặt ở đầu chợ chó cùng với đám buôn chó. Hàng trăm người chầu chực ở ngay đầu chợ, người thì tìm mua chó thịt, người mua chó giống. Người mua chó thịt thì thích những chú chó vàng, ri, nặng độ trên dưới 10kg. Người mua chó về nuôi thì xem đốm trán, đốm sống mũi, đốm đuôi, đốm chân và đặc biệt là đốm lưỡi.

Họa sĩ Lê Đình Nguyên chọn chó ở chợ Bắc Hà.

Họa sĩ Lê Đình Nguyên thì vểnh râu tìm chú chó Lài. Gặp ai bê chó đến, anh cũng hỏi: “Có phải chó Lài không? Nhà có chó Lài không?”. Hàng trăm người bê chó đều lắc đầu: “Kiếm đâu ra chó Lài”.
Đứng đợi chó Lài đến gần trưa thì nản. Một anh chàng người Nùng, giới thiệu tên Quang đi đến bắt tay anh chàng họa sĩ bảo: “Anh kiếm chó Lài à?”. Lê Đình Nguyên tưởng gặp được người bán chó liền gật đầu lia lịa. Nào ngờ, anh bạn Nùng bảo: “Hơn năm trời, với 50 phiên chợ, ngày nắng cũng như ngày mưa, em đều chầu trực ở chợ chó này, mà tuyệt nhiên không gặp con Lài nào cả. Bác chân ướt chân ráo lên đây không kiếm được chó Lài đâu”.


Xem lưỡi có đốm không nào?

Nghe anh chàng Nùng nói thế, họa sĩ Lê Đình Nguyên chán hẳn. Chẳng chó má gì nữa, ông họa sĩ lôi anh chàng Nùng vào chợ huyện uống rượu ngô, ăn thắng cố để được nghe kể về chó Lài. Nâng chén ngà say, anh chàng Nùng rơm rớm nước mắt kể về chú chó Lài của mình: “Con chó thông minh, hiểu chủ lắm. Chỉ nhìn nó là nó biết ông chủ muốn gì”.
Với đồng bào miền núi, đây là giống chó săn cực quý, khôn ngoan và dữ dằn. Nó là người lính gác vô cùng tin cẩn, sẵn sàng xả thân để bảo vệ chủ và tài sản.


Con chó nghi là giống chó Lài.

Chó Lài có dáng dài, chân to, đuôi dài, màu vàng pha chút đen hoặc đen từ đầu đến đuôi. Đặc biệt, tai hơi dài và cụp. Mõm dầy và to. Chó Lài trưởng thành nặng tới 50kg.
Không ai rõ giống chó này xuất xứ từ đâu, cũng không có tài liệu nào nghiên cứu, nhưng theo anh chàng người Nùng này, thì nó là giống chó lai giữa chó nhà và chó sói. Chó nhà thì nhiều, nhưng chó sói thì mỗi ngày thêm hiếm, nên để có được chú chó Lài, gần như là chuyện không tưởng.

Theo anh chàng người Nùng nọ, nếu ai sở hữu một chú chó Lài, thì coi như quanh năm suốt tháng no đủ, không sợ đói kém, thậm chí còn có thể làm giàu. Xách súng vào rừng, nếu có chó Lài dẫn đường, thì kiểu gì cũng thu được chiến lợi phẩm. Nó sẽ tìm dấu vết thú, lùa thú vào trước họng súng cho chủ bắn.


Lê Đình Nguyên (phải) và anh chàng người Nùng Triệu Văn Quang ngồi uống rượu ngô, ăn thắng cố ở chợ Bắc Hà.

Thậm chí, chẳng cần phải đi săn, cứ yêu cầu nó vào rừng, kiểu gì nó cũng tha về khi thì con bìm bịp, khi thì con chồn hương, cầy, cáo, dũi, chuột rừng, nhím…Giống chó này là sát thủ của rắn độc. Nó không dại dột xông vào tóm rắn độc, bởi có thể mất mạng, nhưng sự dũng mãnh của nó khiến rắn độc sợ hãi co mình nằm im. Chủ nghe thấy tiếng chó sủa trong rừng, chỉ việc chạy vào tóm sống rắn độc mang bán.

Cuộc chiến giữa chó Lài và “quái thú”

Theo lời anh bạn Nùng Triệu Văn Quang, trận tóm sống con rắn chúa khổng lồ hồi đầu năm ngoái là thành tích hoành tráng nhất của chú chó Lài. Con rắn này là loại đã thành tinh, là “quái thú” của rừng già. Nhà Quang ở xã Tả Củ Tỷ, một xã xa nhất của huyện Bắc Hà, giáp với Xín Mần (Hà Giang). Vùng đất này núi cao, rừng thẳm, thú dữ khá nhiều.


Họa sĩ Lê Đình Nguyên bên bình rượu ngâm "quái thú" hổ mang chúa.

Tuy nhiên, cánh rừng giáp bản Quang ở chẳng có bóng dáng loài rắn nào, ngoài một con “quái thú” khổng lồ mà chưa ai từng tận mắt. Sở dĩ, người Nùng trong bản biết có con hổ chúa khổng lồ là bởi vì hàng năm họ vẫn bắt gặp một bộ da rắn lột dài bằng mấy lần đòn gánh, to bằng cái phích. Người dân trong bản vẫn thường xuyên tóm được rắn hổ chúa hoang dã, tuy nhiên, con to nhất cũng chỉ chừng 5 đến 6kg, dài độ 3-4m. Chưa ai từng thấy bộ da lột nào khủng khiếp như thế.

Sở dĩ bao năm qua, cánh rừng dưới chân ngọn núi Nam Lo U O, cao tới 1.843m, không có bóng dáng con rắn nhỏ nào là bởi vì hổ chúa thích xơi các loại rắn nhỏ hơn. Người dân trong bản thi thoảng tổ chức vào rừng truy tìm con “quái thú” này, song đều thất bại.


Hổ mang chúa khổng lồ trong bình rượu.

Con rắn này đã thành tinh, thấy hơi người từ xa đã tìm cách trốn vào rừng thẳm, nên không sao bắt nổi nó. Nó chạy rất nhanh trên mặt đất, lại biết leo cây, bơi dưới suối, nên địa hình thế nào nó cũng thoát được.

Một ngày, khi Quang vừa đi nương về, thì nghe thấy tiếng chú chó Lài sủa văng vẳng từ trong rừng. Nếu gặp thú nhỏ thì nó đã tóm sống tha về, nên Quang tin rằng nó đã săn được rắn độc.
Quang tức tốc tìm gậy hình chữ Y (dùng để ấn đầu rắn) cùng với chiếc bao tải, rồi chạy lên hướng đỉnh Nam Lo U O. Giữa bãi đất trống, chú chó Lài của Quang sủa liên hồi, khuôn mặt dữ tợn, gầm gừ hướng về phía hốc cây mục.

Quang tiến lại phía chú chó, nhìn theo hướng nó sủa và lạnh sống lưng khi thấy một con “quái thú” khổng lồ, thân to đúng bằng cái phích, lưng màu nâu xám, thân như dây rừng khổng lồ quấn vào thân cây mục, ngóc cái đầu lên cao, đầu bành ra, lưỡi thè lè nhìn chú chó.

Nhìn “quái thú”, chân Quang cứ ríu lại, không bước nổi nữa, chứ đừng nói đến chuyện xông vào tóm nó. Nó chỉ mổ một nhát thì có trời mà cứu. Định thần lại, Quang chuồn thẳng về bản gọi thêm 6 thanh niên nữa, toàn hạng khỏe mạnh, dũng mãnh và đặc biệt là không sợ rắn. Thuốc men giải độc rắn được chuẩn bị, các đồ nghề cũng sẵn sàng.


Tác giả bên "quái thú" trong bình rượu do chú chó Lài tóm được.

Lúc nhóm của Quang quay lại, con rắn không ngóc đầu lên nữa, mà rúc đầu vào hốc cây mục nằm im. Riêng chú chó Lài thì vẫn hung dữ sùng sục quanh “quái thú” để đe dọa. Không biết con rắn chúa khổng lồ này không thèm chấp chú chó Lài nên rúc đầu vào hốc cây để ngủ (loài rắn chúa thường thích ngủ trong hốc đá, hốc cây mục) hay sợ quá nên chui vào hốc cây để trốn.

Cơ hội ngàn vàng đã đến, nhóm của Quang giàn trận để tóm sống con rắn chúa khổng lồ này. Người xông vào đè phần đuôi, người đè phần thân. Chú rắn khổng lồ ngọ nguậy tìm cách rúc sâu vào hốc cây, nhưng không thể được nữa. Nhóm người này kéo dần chú rắn ra, rồi mấy người cùng lúc xông vào đè nghiến đầu rắn.

Cả nhóm thanh niên khỏe mạnh phải vật lộn một lúc lâu, mệt nhoài, mới thu phục được con rắn. Sau vụ tóm được “quái thú” khổng lồ, Quang đã đưa chú chó Lài xuống chợ huyện chơi. Không hiểu lý do gì, chú chó lăn đùng ra đất sùi bọt mép chết. Quang nghi nó xơi phải bả chuột, hoặc xơi chuột bị đánh bả.

Chẳng biết làm thế nào, Quang ngồi ôm chó khóc. Đang tính chở chú chó yêu quý về bản chôn, thì có người đi qua hỏi chuyện. Biết chó dính bả, nhưng anh này vẫn hỏi mua xác. Anh ta hỏi Quang đòi bao nhiêu, Quang bảo trả bao nhiêu cũng được. Không ngờ người đàn ông lạ này rút ra 6 triệu đồng trả cho Quang.
Đến bây giờ Quang vẫn không hiểu người đàn ông lạ kia mua chú chó dính bả với giá 6 triệu đồng về làm gì. Không rõ có phải anh ta dùng làm chó nhồi bông không. Giống chó Lài quý thế, có được con chó nhồi bông cũng thỏa chí.

Theo VTC
 

nguyenducminh63

Active Member
‘‘Mốt” chơi chó thuần chủng

Chủ nhật 06/05/2012 07:16
ANTĐ - Trái ngược phong trào chơi chó có nguồn gốc nước ngoài đang phát triển rầm rộ với những chú chó được mệnh danh là “thần khuyển”, “siêu khuyển” sau khi về Việt Nam đã được định giá hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn đô la Mỹ. Gần đây, tại Hà Nội xuất hiện phong trào nuôi các giống chó thuần chủng có nguồn gốc tại Việt Nam. Những chú khuyển thuần chủng này được nhìn nhận như những giống chó quý hiếm, rất tinh khôn và trung thành…


Ảnh: internet​

Những chú khuyển Made in… Việt Nam

Trong những giống chó thuần chủng của Việt Nam nổi tiếng nhất là giống chó Phú Quốc. Năm 2011, trong cuộc thi Chó đẹp thế giới do Liên đoàn Các hiệp hội nuôi chó giống quốc tế (FCI) tổ chức tại Paris (Pháp), hai chú chó Phú Quốc có tên là Đốm và Vện đã tham gia thi tài với các giống chó đẹp nhất đến từ hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đây là 2 chú chó đã giành được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi trong nước do Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam (VKA) tổ chức. Mặc dù không được lọt sâu vào những vòng trong song phần thể hiện của Đốm và Vện đã nhận được sự đánh giá cao từ Ban giám khảo đồng thời mở ra cơ hội đưa chó Phú Quốc trở lại với danh mục các giống chó được FCI công nhận. Tuy nhiên, lần lại những tài liệu được lưu giữ cho đến ngày nay, đây không phải là lần đầu tiên giống chó Phú Quốc được thế giới biết đến và ghi nhận. 2 chú chó Phú Quốc có tên là Mango (Xoài) và Banane (Chuối) đã từng giành ngôi quán quân và á quân trong một cuộc thi chó tổ chức tại Pháp vào năm 1894. Giám khảo của cuộc thi này là bá tước Henri de Bylan, một nhà quý tộc Hà Lan, tác giả của nhiều cuốn sách viết về các giống chó. Đích thân bá tước Henri de Bylandt đã nghiên cứu và soạn thảo ra bản tiêu chuẩn gồm 26 chi tiết cho chó Phú Quốc và đưa vào các cuốn sách trứ danh mà ông viết sau này, trong đó, loài chó Phú Quốc được nhắc đến sánh ngang cùng 300 giống chó quý và nổi tiếng khác trên thế giới. Những đặc điểm chỉ riêng có ở loài chó Phú Quốc được biết đến bao gồm có các xoáy lông ở trên sống lưng. Chó Phú Quốc biết đào hang để đẻ và có biệt tài săn thú, bơi dưới nước giỏi như rái cá nhờ chân có màng như chân vịt và bộ lông mượt sát, rất ngắn. Chó Phú Quốc không chỉ có một mà có rất nhiều đặc tính ưu việt, đặc biệt là không sợ độ cao, ngoài ra còn là sự nhanh nhẹn và chính xác tuyệt vời.

Xếp sau chó Phú Quốc, một giống chó thuần chủng khác cũng được nhiều người chơi quan tâm tìm kiếm là giống H’Mông cộc đuôi. Theo Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga nơi đã từng đưa giống chó này vào chương trình nghiên cứu, đây là một giống chó bản địa cổ xưa của người dân tộc H’Mông ở vùng miền núi phía bắc Việt Nam. Từ xưa giống chó này đã được sử dụng làm chó săn, chó canh gác và hiện tại vẫn tiếp tục đảm nhiệm khá tốt các vai trò này. Chó H’Mông cộc đuôi có tầm vóc trung bình nhưng luôn bộc lộ các đặc điểm về thể lực rất tốt, cũng như khả năng chịu đựng các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Tính cách của chó H’Mông cộc đuôi được hình thành từ rất sớm, giống chó này có một trí nhớ tốt, do đó có khả năng tiếp thu các bài huấn luyện dễ dàng và rất nhanh ngay từ khi còn nhỏ. Theo nghiên cứu của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, giống chó này được đánh giá có nhiều triển vọng và thích hợp nhất trong việc sử dụng làm chó nghiệp vụ và thuận lợi nhất trong việc nhân giống một cách có tổ chức và bài bản.

Bên cạnh chó Phú Quốc và H’Mông cộc đuôi, 2 loại chó thuần chủng khác cũng được đánh giá cao trong giới chơi chó là chó Bắc Hà và Dingo Đông Dương. Chó Bắc Hà là loài chó bản địa của người H’Mông sống ở vùng Bắc Hà tỉnh Lào Cai. Chó Bắc Hà thường có lông xù, to cao, có con có bờm rất đẹp. Loài chó này rất thông minh và dễ huấn luyện, biết nghe lời chủ và rất kỷ luật, thường được người H’Mông dùng để đi săn và làm bạn trong những chuyến đi dài ngày. Còn Dingo Đông Dương (ở một số nơi còn gọi là chó Lài) là giống chó nguyên thủy đặc trưng tại các vùng trung du và miền núi của Việt Nam. Giống này thuộc nhóm chó săn tự nhiên được người dân trên bán đảo Đông Dương nuôi từ hàng nghìn năm trước. Ngoài 4 giống chó thuần Việt trên, Việt Nam còn có rất nhiều các giống chó bản địa khác nữa như Akita, Sharky, Laika hoặc chó săn Tây Ninh, chó Chóc Tây Nguyên...

Những người thích chơi chó thuần chủng

Tại Hà Nội, những người thích chơi chó thuần chủng Việt Nam tập hợp nhau tại một website có tên quockhuyen.com. Diễn đàn này hiện đang thu hút được rất nhiều thành viên tham gia. Họ thuộc nhiều lứa tuổi và ở nhiều ngành nghề khác nhau nhưng đều có chung niềm đam mê với những chú chó thuần Việt. Người sáng lập sân chơi này là anh Hoàng Thanh Quang (Ba Đình - Hà Nội). Theo anh Quang, cái thú của người chơi chó thuẩn chủng Việt Nam là được tìm về bản ngã nguyên thủy của con chó tại vùng đất mà nó đã sinh ra. Ngoài ra, những con chó bản địa của chúng ta rất dễ nuôi, khả năng sinh tồn và thích nghi tốt, thông minh, dễ bảo, lại cực trung thành và trông dáng vẻ cũng rất đẹp.

Bản thân anh Quang hiện đang nuôi một đàn gồm 5 con đủ đại diện của các giống chó chính. Anh Quang cho biết: Một đặc điểm thu hút những người chơi chó thuần Việt đó là, khác với các giống chó “Tây” hầu hết đều là các sản phẩm lai giống nhân tạo, nếu không cho qua các trường lớp huấn luyện chuyên nghiệp từ bé thì thường rất phá phách. Còn với các giống chó thuần chủng Việt Nam chúng thường hiểu theo tâm lý của người nuôi dạy, do được tạo nên từ quá trình chọn lọc tự nhiên nên đã sớm thuần thục với các kỹ năng cơ bản. Khác với quan niệm các giống chó ta chỉ là những giống chó “cỏ”, nuôi chỉ để trông nhà, những người nuôi chó thuần chủng trên diễn đàn quốc khuyển đang làm một công việc mà nói vui như anh Quang là… nâng tầm chó ta. Các thành viên tham gia diễn đàn sẽ được tư vấn về cách huấn luyện, chăm sóc sức khỏe cũng như tạo giống một cách cơ bản nhất theo phương pháp quản lý tiêu chuẩn quốc tế. Mỗi chú chó sẽ được cấp sổ ghi lại ngày sinh, nguồn gốc xuất xứ và nhiều dữ liệu khác, đồng thời sẽ được tiêm vaccine phòng 7 loại bệnh cơ bản đối với chó.

Ngoài việc giá thành một chú chó thuần chủng Việt Nam không quá cao so với các chú chó “Tây” thì điều thu hút người chơi chó thuần chủng Việt Nam là việc nuôi dưỡng không quá tốn kém. Thức ăn cho chó chỉ cần cơm trộn với ngô xay, phổi lợn nấu chín, hoặc có thể trộn thêm hoa quả, ngũ cốc. Với việc mỗi ngày cho chó ăn 2 lần, tính ra chi phí thức ăn mỗi tháng chỉ trên dưới 500 nghìn đồng. Theo anh Quang con số này chỉ bằng 1/20 so với số tiền phải bỏ ra để nuôi một chú chó nước ngoài thuần chủng. Khó khăn lớn nhất đối với những người chơi chó Việt thuần chủng là việc phải chuyển vùng. Do sự thay đổi về khí hậu, môi trường sống của những chú chó thuần chủng này nên đòi hỏi người chơi phải nắm được những quy luật cơ bản. Theo anh Quang, bài học đầu tiên là phải nắm vững về vấn đề thời gian, nếu như mua chó Phú Quốc để chuyển ra Bắc thì tốt nhất nên mua vào mùa hè vì khi đó nhiệt độ 2 miền hầu như cân bằng nhau. Còn nếu như mua chó H’Mông cộc đuôi hay Bắc Hà thì tốt nhất nên mua vào mùa Thu – Đông vì khi đó nhiệt độ ở Lào Cai hay Hà Giang không chênh lệch quá 10 độ so với đồng bằng. Việc thứ hai là phải cho các giống cho này ăn những thức ăn lành tính để tránh cho những chú khuyển không bị mắc phải những căn bệnh về đường ruột.

Cần một thương hiệu cho chó thuần chủng Việt


Phong trào chơi chó giống, chó thuần chủng ở Việt Nam dù đã có thời gian phát triển khá dài, song mới chỉ dừng ở các nhóm, hội mang tính chất nội địa hoặc vùng miền. Điều này phản ánh một thực tế tuy chúng ta có những giống chó thuần chủng rất tinh khôn, song lại không được thế giới biết đến và thừa nhận. Hiện nay, các giống chó thuần chủng của Việt Nam như chó Phú Quốc, chó H’Mông cộc đuôi đang rơi vào tình trạng bị mua bán và lai tạp một cách tràn lan, bừa bãi. Và cho đến nay vẫn chưa một chương trình cụ thể nào về việc bảo tồn những giống chó quý hiếm này.

Ngay cả đến giống chó thuần chủng nổi tiếng nhất của Việt Nam, được nhiều người chơi quan tâm và săn lùng là chó Phú Quốc hiện vẫn chưa được Liên đoàn các hiệp hội nuôi chó giống quốc tế (FCI) công nhận. Chính vì điều này mà đã có thời gian xảy ra cuộc tranh chấp thương hiệu giữa chó Phú Quốc và giống chó xoáy Thái Lan. Tại vùng phía Đông của Thái Lan cũng tồn toại một loài chó với tên gọi Ridgeback có đặc điểm gần giống với chó Phú Quốc của Việt Nam. Do những người Thái đã đăng ký tiêu chuẩn của giống chó này với FCI nên từ đó họ đã tung ra luận điểm chó Phú Quốc có nguồn gốc từ chó xoáy Thái Lan. Bên cạnh đó, sự xâm nhập của các giống chó khác vào Phú Quốc và sự lai tạp giữa các giống chó khác với chó Phú Quốc để tăng kích thước đã làm phai nhạt dần những đặc tính hoang dã quý hiếm của loài chó này. Có thể thấy, do chưa có một chương trình bảo tồn các giống chó thuần chủng Việt Nam, nên phong trào săn tìm và thu gom chó thuần chủng đã và đang gây ra những nguy cơ với những loài chó này. Bởi những đàn chó thuần chủng sau khi bị thu gom chỉ còn lại những con chó xấu, khiến cho thế hệ sau của chúng sẽ mất dần đặc điểm vốn có.
 
Top